Huyện Mường Ảng

Chủ động phòng chống dịch bệnh cho gia súc

08:58 - Thứ Sáu, 09/11/2018 Lượt xem: 11232 In bài viết

ĐBP - Toàn huyện Mường Ảng hiện có 7.206 con trâu; 7.451 con bò; 33.435 con lợn; 6.946 con dê và 196.885 con gia cầm. Ðể bảo vệ đàn vật nuôi trước dịch bệnh và rét, huyện đã triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dịch, đói, rét, cho đàn gia súc, gia cầm vụ đông xuân năm 2018 - 2019.

 

Người dân xã Mường Ðăng tích trữ rơm khô cho trâu, bò trong mùa đông.

Ngay từ đầu năm, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch tiêm phòng vắc xin cho gia súc; đồng thời, tuyên truyền đến người dân chủ động các biện pháp phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi trước, trong và Tết Nguyên đán năm 2018. Gần đây nhất (vào đầu tháng 10), UBND huyện đã ban hành Công điện về việc tăng cường công tác, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn huyện... Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân công cán bộ phối hợp với chính quyền cơ sở và các ban, ngành, đoàn thể xã, thị trấn bám sát địa bàn để hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh và đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm. UBND các xã, thị trấn thành lập ban chỉ đạo phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn gia súc trong vụ đông xuân 2018 - 2019; chỉ đạo khuyến nông xã, thú y xã, bản, trưởng bản tuyên truyền cách phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn gia súc đến từng hộ chăn nuôi; thống kê nắm rõ tổng đàn gia súc, gia cầm; tuyên truyền, vận động, đôn đốc, hướng dẫn người chăn nuôi loại thải những con trâu, bò già khi mùa đông đến; di chuyển đàn trâu, bò thả rông trong rừng về nuôi nhốt gần nhà để quản lý và chăm sóc; không nên cho trâu, bò làm việc, chăn thả tự do khi nhiệt độ xuống dưới 120C. Chỉ đạo cán bộ xuống thôn, bản hướng dẫn người dân cách che chắn chuồng trại và tích trữ thức ăn thô, thức ăn tinh, khoáng, vitamin. Mỗi gia đình chăn nuôi trâu, bò cần tích trữ cỏ khô, rơm khô đảm bảo bình quân từ 5 - 7kg/con/ngày trong những ngày giá rét; tiêm phòng vắc xin đầy đủ... Ðến nay, toàn huyện đã hoàn thành việc tiêm phòng vắc xin đợt 1/2018 (25.450 liều vắc xin dịch tả lợn; 4.000 liều tai xanh; 11.390 liều tụ huyết trùng; 4.500 liều nhiệt thán trâu, bò; 11.390 liều lở mồm long móng)...

Ông Quàng Văn Thân, Chủ tịch UBND xã Mường Ðăng cho biết: Ðể giảm tối đa thiệt hại đàn vật nuôi trong mùa rét, từ đầu tháng 10 khi chớm rét, Ban chỉ đạo phòng, chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn gia súc xã đã tăng cường tuyên truyền sâu rộng những kinh nghiệm về cách phòng chống rét cho gia súc. Cách làm hiệu quả là: Che chắn kín xung quanh; dự trữ nguồn thức ăn, cung cấp đủ và bổ sung các nguồn thức ăn dinh dưỡng; tăng cường nguồn thức ăn xanh; theo dõi thường xuyên sức khỏe của đàn gia súc; nuôi nhốt và không thả rông trâu bò trong những ngày rét hại; bổ sung thêm nguồn thức ăn có tinh bột, như: Cám gạo, bột ngô, bột sắn...  Ðồng thời, chỉ đạo thú y xã thực hiện tốt công tác tiêm phòng cho đàn gia súc trên địa bàn xã. Ðến nay, xã đã thực hiện xong việc tiêm vắc xin phòng dịch đợt 1, hiện đang triển khai tiêm vắc xin phòng dịch đợt 2. Nhờ làm tốt công tác phòng dịch mà đàn gia súc của xã luôn sinh trưởng phát triển tốt, số lượng đàn năm sau luôn cao hơn năm trước.

Ông Quàng Văn Nghiên, bản Co Muông, xã Mường Ðăng cho biết: Nguồn thu nhập chính của gia đình là từ việc phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Mùa đông là thời điểm có nhiều dịch bệnh, trâu, bò rất dễ bị chết rét, vì thế gia đình không thả rông trâu, bò mà nuôi nhốt tại chuồng; luôn đảm bảo nguồn thức ăn có đủ các thành phần dinh dưỡng và tiêm phòng dịch đúng định kỳ. Ðặc biệt, vào những ngày rét đậm, có sương muối gia đình bổ sung thức ăn tinh bột cho trâu, bò để tăng sức đề kháng. Nhờ đó, mà đàn gia súc của gia đình phát triển tốt, ít bị dịch bệnh. Hiện nay, tổng đàn gia súc của gia đình có 20 con (8 con trâu, 12 con bò) tạo nguồn thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top