Kinh tếMôi trường rừng

Hô Huổi Luông no ấm từ rừng

08:49 - Thứ Tư, 31/01/2024 Lượt xem: 2742 In bài viết

ĐBP - Năm 2024 là năm thứ 11 người dân bản Hô Huổi Luông, xã Lay Nưa, TX. Mường Lay được nhận tiền bảo vệ rừng từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Điện Biên. Giữ rừng tốt không chỉ giúp dân bản Hô Huổi Luông có thêm thu nhập, mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tăng độ ẩm cho đất, nguồn nước dồi dào thuận lợi sản xuất nông nghiệp.

Công trình hàng rào bảo vệ nhà văn hóa bản được cộng đồng bản Hô Huổi Luông trích tiền dịch vụ môi trường rừng đóng góp thi công.

Sau hơn 2 tháng nâng cấp, sửa chữa, tháng 10/2023, bản Hô Huổi Luông khánh thành nhà văn hóa bản trong sự vui mừng, phấn khởi của nhân dân. Ngoài kinh phí hỗ trợ của nhà nước, bà con trong bản đã thống nhất trích một phần từ số tiền được chi trả dịch vụ môi trường rừng để hoàn thiện nhà văn hóa bản thêm khang trang.

Trưởng bản Hờ A Nhè chia sẻ, có nhà văn hóa mới phục vụ hoạt động chung của bản, bà con rất phấn khởi. Vì vậy, khi bản vận động các hộ dân đóng góp thêm kinh phí làm hàng rào thép bảo vệ nhà văn hóa, với tổng chiều dài hơn 25 mét, nhà nào cũng ủng hộ ngay. Từ khi nhà văn hóa được nâng cấp, các hoạt động hội họp, sinh hoạt văn hóa của bà con trong bản triển khai thuận lợi rất nhiều.

Trước đó, cũng từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng, các hộ dân trong bản Hô Huổi Luông đã đóng góp khoảng 80 triệu đồng làm sân vận động mini của bản. Theo đó, mỗi hộ dân đã tự nguyện đóng góp hơn 1 triệu đồng mua gần 700m2 đất, thuê máy xúc san ủi mặt bằng làm khu tổ chức các hoạt động vui chơi chung. Gọi là sân vận động mini bởi đây không chỉ là nơi người dân tổ chức các hoạt động vui chơi vào dịp lễ, tết mà còn là nơi hoạt động thể dục thể thao hàng ngày của thanh niên, trẻ em. Có khu vui chơi chung càng gắn kết thêm tinh thần đoàn kết trong bản.

Những công trình cộng đồng được bà con bản Hô Huổi Luông đóng góp xây dựng là minh chứng rõ nhất cho thấy hiệu quả từ chính sách môi trường rừng mang lại. Nhờ bảo vệ và chăm sóc rừng tốt, mỗi năm hai đợt, hơn 70 hộ dân bản Hô Huổi Luông đều được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Đơn cử trong hai năm gần đây, mỗi năm bản Hô Huổi Luông được chi trả hơn 600 triệu đồng tiền môi trường rừng. Cùng với các nguồn thu nhập khác từ rừng, tiền dịch vụ môi trường rừng đã góp phần tạo công ăn, việc làm, cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Nhà nào cũng sắm được xe máy, ti vi, dựng nhà mới đều một phần từ tiền chăm rừng, giữ rừng. Thế nên giờ đây bà con Hô Huổi Luông quý rừng, bảo vệ rừng như tài sản của mỗi nhà.

Diện tích rừng được người dân bản Hô Huổi Luông bảo vệ, phát triển xanh tốt.

Ông Giàng A Chía, Bí thư Chi bộ bản Hô Huổi Luông chia sẻ: Từ bao đời nay, cuộc sống của nhân dân trong bản chủ yếu dựa vào sản xuất lúa nước, chăn nuôi gia súc, khai thác nguồn lợi lâm sản phụ. Cách đây hơn 10 năm, vì không có nước sản xuất, địa hình đồi núi dốc nên cả bản chỉ có 4,4ha trồng lúa nước, cuộc sống rất khó khăn. Những năm gần đây, nhờ việc bảo vệ rừng tốt, nguồn nước dồi dào thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nên diện tích trồng lúa nước của bản đã tăng lên hơn 20ha. Rừng phát triển tốt, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào, người dân đã đầu tư chăn nuôi, đặc biệt là trâu, bò, góp phần phát triển kinh tế, chăm lo cho con cái học hành.

Hiểu được lợi ích từ việc bảo vệ rừng và hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng nên để bảo vệ, chăm sóc diện tích rừng được giao khoán, bản Hô Huổi Luông đã thành lập Ban Quản lý rừng cộng đồng gồm 5 thành viên; Tổ Bảo vệ rừng và Phòng cháy chữa cháy rừng gồm 12 thành viên. Các tổ này có nhiệm vụ định kỳ, đột xuất tuần tra, kiểm soát diện tích rừng đã được giao cho cộng đồng bản; tuyên truyền, vận động người thân, dân bản cùng chăm sóc, bảo vệ rừng; tổ chức ký cam kết, xây dựng kế hoạch quản lý, bảo vệ phát triển rừng của cộng đồng. Nhờ tinh thần trách nhiệm của các thành viên, sự cảnh giác của người dân nên nhiều năm nay không xảy ra cháy rừng, phá rừng trái pháp luật trên diện tích rừng bản được giao khoán. cộng đồng bản Hô Huổi Luông luôn là một trong những chủ rừng tiêu biểu của xã Lay Nưa.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận

Tin khác

Back To Top