Mỏ vàng của công nghiệp giải trí Hàn

14:21 - Thứ Sáu, 18/02/2022 Lượt xem: 4588 In bài viết

Năm 2021, mặc dù doanh thu phim chiếu rạp nội địa giảm tới 70% so với năm 2019 song phim truyền hình Hàn Quốc lại có những bước phát triển đặc biệt. Khả năng quảng bá văn hóa và thương mại của phim truyền hình đã ngày càng hấp dẫn nhiều “ông lớn” nhảy vào lĩnh vực này.

“Squid Game” trở thành phim truyền hình ăn khách hàng đầu Netflix năm 2021.

Chiếm lĩnh thị trường nhờ phát hành trực tuyến

Phim truyền hình từ lâu đã được coi là “át chủ bài” trong việc khuếch đại "Hallyu" (làn sóng văn hóa Hàn Quốc) ra nước ngoài. Bất chấp dịch bệnh, doanh số bán phim Hàn ở nước ngoài vẫn tăng 13,3% vào năm 2020. Năm 2021, lĩnh vực này vẫn có bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt với việc phát hành bộ phim đình đám “Squid Game” vào tháng 9. “Squid Game” trở thành phim truyền hình ăn khách hàng đầu trên Netflix với 1,65 tỷ giờ xem trong 28 ngày đầu tiên. Nhiều tờ báo gọi việc phát sóng “Squid Game” trên Netflix toàn cầu năm ngoái là "sự thành công chưa từng có trong thỏa thuận giữa Hàn Quốc và quốc tế" ở lĩnh vực phim truyền hình.

Thành công của “Squid Game” còn chứng tỏ sự thích ứng linh hoạt của Hàn Quốc trong việc chọn lựa hình thức phát hành phù hợp với xu hướng hiện nay. Đó là việc lựa chọn các ứng dụng phát hành trực tuyến thay vì truyền thống. Việc nhiều quốc gia trong khu vực áp dụng giảm tỷ lệ chiếu phim truyền hình nước ngoài trên sóng truyền hình quốc gia đã gây ảnh hưởng nặng nề tới việc phát hành phim Hàn ở nước ngoài.

Chẳng hạn như ở Trung Quốc - thị trường xuất khẩu lớn nhất của phim Hàn vào năm 2015. Theo báo cáo năm 2016 của Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC), Trung Quốc chiếm 31,5% tổng doanh thu từ các phim xuất khẩu. Giá trị của những phim này đạt mức cao kỷ lục trong năm đó khi được các nhà phân phối Trung Quốc trả khoảng 9,2 triệu USD. Thế nhưng với việc áp dụng các chính sách mới hạn chế phim Hàn, đến năm 2019, Trung Quốc chỉ còn chiếm khoảng 3,1% tổng doanh thu của phim Hàn xuất khẩu. Theo thống kê của KOFIC, từ 2015 đến 2019, lợi nhuận phim Hàn ở nước này giảm gần 90%, chỉ còn 1,1 triệu USD.

Việc kết hợp với các ứng dụng phát trực tuyến như Netflix, Disney, HBO Max... giúp Hàn Quốc giảm phụ thuộc vào chính sách văn hóa của các nước láng giềng trong việc nâng cao vị thế của phim Hàn trên trường quốc tế. Được biết, Netflix tuyên bố sẽ chi 462 triệu USD làm phim Hàn Quốc trong năm nay. Con số này gần gấp ba lần mức trung bình mà họ đầu tư vào ngành giải trí xứ Hàn mỗi năm trước đây. Trước đó, trong giai đoạn 2016 - 2021, Netflix đã rót vào Hàn Quốc một khoản đầu tư đem lại hiệu quả kinh tế lên tới 4,71 tỷ USD.

Mảnh đất màu mỡ

Sự tăng trưởng không ngừng của phim truyền hình Hàn Quốc đã thu hút rất nhiều “ông lớn” đổ vốn vào lĩnh vực này, không phải chỉ trong lĩnh vực nội dung mà còn hướng tới việc nắm giữ các kênh phát hành có tầm ảnh hưởng quốc tế.

Một ví dụ điển hình là mới đây, công ty giải trí Hàn Quốc CJ ENM đã bỏ ra mức đầu tư lớn nhất từ trước đến nay để mua 80% mảng kinh doanh và kịch bản của công ty sản xuất Endeavour Content của Mỹ. Đây là công ty đứng sau các bộ phim ăn khách như La La Land (2016) và phim truyền hình Anh Killing Eve (2018). Khoản đầu tư của CJ ENM vào Endeavour Content đã gây xôn xao trên các phương tiện truyền thông Mỹ.

Tờ Variety viết: "CJ ENM của Hàn Quốc đã đặt cược một tỷ USD cho Endeavour Content để trở thành người chơi giải trí toàn cầu". Công ty này cũng thông báo thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với tập đoàn phân phối ViacomCBS, thuộc sở hữu của các đài truyền hình Mỹ CBS, Paramount Pictures và MTV. Hai doanh nghiệp này sẽ hợp tác trong quá trình sản xuất nội dung dựa trên sở hữu trí tuệ (IP) của CJ ENM, bao gồm lập kế hoạch, phát triển, đầu tư và phân phối. CJ ENM cũng đã mở kênh mới thông qua nền tảng OTT Pluto TV - một chi nhánh của ViacomCBS. Đổi lại, Paramount, một dịch vụ phát trực tuyến của ViacomCBS đã ra mắt tại Hàn Quốc vào năm nay thông qua Tving. ViacomCBS cũng sẽ đầu tư sản xuất 7 bộ phim của Tving.

Cho Sung Woo, Trưởng bộ phận nội dung toàn cầu của CJ ENM nhận định: “Tiềm năng sản xuất nội dung Hàn Quốc đã ngang bằng với thị trường toàn cầu. Các nền tảng OTT (thuật ngữ chỉ ứng dụng và nội dung âm thanh, video được cung cấp trên nền tảng internet) và hoạt động tiếp thị, mạng xã hội đã kết nối khán giả toàn cầu. Trước đây, chúng tôi chỉ đơn giản là đồng phát triển nội dung dưới dạng các dự án hoặc phân phối nội dung Hàn Quốc ở thị trường Mỹ. Khi đó, có những hạn chế liên quan đến việc phân phối phim tại rạp, chẳng hạn mức độ chủ động giới thiệu và quảng bá nội dung cho khán giả Mỹ. Nhưng giờ đây, chúng tôi có thể làm điều đó với khoảng 50 triệu người đăng ký Pluto TV. Nó cũng tăng cơ hội cho các diễn viên và nhà sáng tạo Hàn Quốc hợp tác với hãng phim Mỹ”. Và việc nắm bắt các xu hướng này đã mở rộng con đường chinh phục khán giả toàn cầu của phim truyền hình Hàn Quốc.

P.V (theo HNM)
Bình luận

Tin khác

Back To Top