Cần sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng

18:42 - Thứ Sáu, 30/12/2022 Lượt xem: 70345 In bài viết

ĐBP - Với quần thể di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ, Điện Biên là địa chỉ được nhiều du khách lựa chọn khi có nhu cầu tham quan, du lịch khu vực Tây Bắc. Những năm qua, du lịch Điện Biên đã quan tâm xây dựng các tua, tuyến du lịch phục vụ du khách tham quan, tìm hiểu; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch đưa du lịch Điện Biên phát triển. Tuy nhiên, với tiềm năng và phong tục, tập quán đặc sắc của 19 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn tỉnh thì du lịch Điện Biên cần nghiên cứu, phát triển những sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng hơn nữa thu hút du khách đến và trở lại Điện Biên.

Đến Điện Biên, ngoài tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử Điện Biên Phủ du khách có dịp được khám phá cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, miền đất văn hóa đặc trưng, đa dạng sắc màu các dân tộc. Từ thực tế địa phương cùng nhu cầu của thị trường du lịch hiện nay, những sản phẩm du lịch Điện Biên cần xác định phát triển lâu dài là du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm… Trong đó, du lịch cộng đồng nên có sự nghiên cứu, phát triển phù hợp với từng địa phương, từng dân tộc bởi đây là sản phẩm cả cộng đồng tham gia thực hiện và hưởng lợi.

Du lịch cộng đồng được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Do đó, du lịch cộng đồng sẽ thu hút sự tham gia có trách nhiệm của người dân các thôn, bản cùng khai thác, quảng bá tiềm năng du lịch, phát triển kinh tế bền vững. Khai thác và phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng vừa giúp người dân bảo tồn, phát huy những nét văn hóa đặc sắc, độc đáo của dân tộc, địa phương vừa mang lại thu nhập, nâng cao đời sống bà con. Nhiều bản làng là nơi cư trú lâu đời của bà con các dân tộc thiểu số với đời sống văn hóa, phong tục tập quán đặc sắc chính là điểm đến hấp dẫn của du khách mọi miền. Từ 20 năm trước, Điện Biên đã lựa chọn 8 bản văn hóa phát triển thành bản văn hóa du lịch, thu hút, tiếp đón du khách tham quan, tìm hiểu nếp sống, văn hóa của đồng bào dân tộc Thái ở các bản: Him Lam, Che Căn, Mển, Phiêng Lơi, Ten,… Các bản được hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa, một số gia đình có điều kiện được lựa chọn sửa chữa nhà vệ sinh đạt chuẩn để là nơi dừng chân, tham quan của du khách. Tới các bản văn hóa, du khách có dịp tìm hiểu không gian sống thể hiện đậm nét phong tục tập quán, đời sống hàng ngày của cộng đồng dân cư đồng thời trải nghiệm những giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ. Đây là những bản văn hóa du lịch thể hiện khá đầy đủ nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái ở Điện Biên. Tuy nhiên, ngoài việc lựa chọn là điểm đến cho du khách và phục dựng một số phong tục, nếp sống thì việc xây dựng sản phẩm du lịch ở các bản văn hóa chưa được chú trọng. Du khách tới tham quan chỉ trong chốc lát và cũng không có sản phẩm đồ lưu niệm để níu chân du khách lâu hơn hoặc quay trở lại những lần sau. Do đó, người dân chưa có thêm thu nhập từ phục vụ du khách tham quan dẫn tới không muốn tham gia làm du lịch. Sau này, một số bản mở dịch vụ ăn uống, phục vụ du khách thưởng thức ẩm thực địa phương và biểu diễn múa xòe, nhảy sạp thu hút du khách.

Cùng với du lịch cộng đồng là sản phẩm du lịch văn hóa, tạo điều kiện để du khách có được những trải nghiệm về lối sống, sản phẩm văn hóa truyền thống tại địa phương. Việc xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa cần có sự hướng dẫn, tổ chức cho người dân xác định giới thiệu lối sống, nét văn hóa truyền thống, nghề thủ công, ẩm thực địa phương… Phải xây dựng được sản phẩm du lịch để du khách có được những trải nghiệm đích thực về đời sống văn hóa đặc sắc, nét độc đáo trong phong tục, tập quán mà đồng bào địa phương đang gìn giữ, sở hữu. Một số bản đã phục dựng, gìn giữ và giới thiệu nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch. Khi đi du lịch Điện Biên du khách có thể tìm hiểu nghề truyền thống ở một số địa phương như dệt thổ cẩm của đồng bào Thái ở các bản Mển, Co Mỵ, Che Căn; mây tre đan ở Nà Tấu; làm bánh khẩu xén ở Lay Nưa (thị xã Mường Lay); dệt thổ cẩm của người Lào ở Núa Ngam (huyện Điện Biên); thêu ren thổ cẩm ở Tà Là Cáo (huyện Tủa Chùa)…

Từ mô hình những bản văn hóa du lịch đầu tiên, đến nay, Điện Biên đã có thêm nhiều bản văn hóa, nâng cấp, cải tạo các điều kiện, dịch vụ phục vụ du lịch; bà con được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về du lịch nhằm đáp ứng tốt hơn việc thu hút, tiếp đón du khách. Đáp ứng nhu cầu du khách hiện nay, một số gia đình chủ động cải tạo, nâng cấp nhà cửa; bản làng đầu tư đường đi lối lại sạch đẹp, phục dựng lễ hội truyền thống… để đón và phục vụ du khách theo hướng chuyên nghiệp hơn. Một số homestay xuất hiện ở các bản văn hóa du lịch, phục vụ du khách ăn nghỉ ngay tại bản.

Khi xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc sắc không chỉ tạo cầu nối cho du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống mà còn khai thác tiềm năng sẵn có để phát triển du lịch bền vững; tạo điều kiện để người dân vừa gìn giữ nét văn hóa đặc sắc vừa có thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững. Từ thực tế nhu cầu du khách cũng như tiềm năng, thế mạnh của các dân tộc, địa phương trong tỉnh hiện nay, du lịch Điện Biên cần quan tâm phát triển sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp. Ngoài xây dựng sản phẩm của từng địa phương cần xây dựng chuỗi sản phẩm phù hợp, có sự liên kết giữa các địa phương tạo nên tua, tuyến du lịch để thu hút du khách đến với Điện Biên.

Gia Huy
Bình luận
Back To Top