Phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện

07:33 - Thứ Hai, 06/02/2023 Lượt xem: 4063 In bài viết

Lê Thành Đô            

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh

ĐBP - Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh đối với thế trận phòng thủ của cả nước và Quân khu 2. Tỉnh có đường biên giới dài 455,573km tiếp giáp với hai nước Lào và Trung Quốc (trong đó, đoạn tiếp giáp với Trung Quốc dài 40,861km; đoạn tiếp giáp với Lào dài 414,712km). Tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện (8 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố), 129 đơn vị hành chính cấp xã (115 xã, 9 phường, 5 thị trấn); 1.444 thôn, bản, tổ dân phố; tổng dân số toàn tỉnh trên 62 vạn người, với 19 thành phần dân tộc, trong đó dân tộc Mông chiếm 38,12%, dân tộc Thái chiếm 35,69%, dân tộc Kinh chiếm 17,38%, còn lại là các dân tộc thiểu số khác. Khu vực biên giới của tỉnh có 4 huyện (Điện Biên, Mường Chà, Nậm Pồ và Mường Nhé) gồm 29 xã biên giới, 299 thôn, bản và 3 cụm dân cư (114 bản giáp biên). Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã đoàn kết, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phát huy mọi nguồn lực, xây dựng tỉnh vững mạnh về mọi mặt, giành được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực. Chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia được giữ vững; quân sự, quốc phòng được củng cố, tăng cường; an ninh, trật tự được giữ vững, ổn định; công tác đối ngoại được đẩy mạnh, mở rộng; hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố, kiện toàn; kinh tế, văn hóa, xã hội có bước phát triển khá, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Tuy nhiên, quy mô nền kinh tế của tỉnh vẫn còn nhỏ, nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ; đời sống của nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí không đồng đều. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để đẩy mạnh các hoạt động chống phá, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc; tình hình an ninh trật tự vẫn còn tiếp diễn khá phức tạp, nhất là tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép, buôn bán và sử dụng các chất ma túy trái phép; hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật vẫn còn diễn ra, đặc biệt là các hoạt động tuyên truyền thành lập “Nhà nước riêng” đã tác động, ảnh hưởng trực tiếp kết quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Cô Sa phối hợp với các lực lượng tuần tra biên giới. Ảnh: Anh Dũng

Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, trọng tâm là Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Nghị quyết số 23/NQ-CP ngày 2/3/2022 của Chính phủ về phát triển kinh tế khu vực biên giới đất liền, Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam... Trong những năm qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Điện Biên đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh phát huy vai trò nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; thực hiện toàn diện các nội dung công tác biên phòng, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân trong thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Việc quán triệt các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp đến hoạt động của BĐBP tỉnh được thực hiện nghiêm túc; việc cụ thể hóa, ban hành các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của địa phương, trong đó có các kế hoạch chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của BĐBP tỉnh được thực hiện kịp thời, sát thực tiễn; vấn đề phân công, phân cấp phụ trách các mặt hoạt động của BĐBP tỉnh, công tác kiểm tra, đôn đốc được triển khai thường xuyên, có chiều sâu. Hàng năm hoặc khi tình hình, nhiệm vụ đặt ra, Tỉnh ủy ban hành chỉ thị, nghị quyết, UBND tỉnh xây dựng các kế hoạch, chương trình lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh, biên phòng, xác định rõ vai trò, nhiệm vụ của các lực lượng, trong đó có BĐBP tỉnh, làm cơ sở để BĐBP tỉnh cụ thể hóa và tổ chức thực hiện hiệu quả. Nhờ đó, hoạt động của BĐBP tỉnh luôn giữ đúng định hướng; vừa tuân thủ, chấp hành nghiêm mệnh lệnh, chủ trương của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Tư lệnh Quân khu 2, vừa bám sát phương hướng, nhiệm vụ của địa phương; gắn kết chặt chẽ và thống nhất giữa nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo vệ biên giới quốc gia với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.

Những năm tới, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đặt ra yêu cầu ngày càng cao. Bên cạnh những thuận lợi là chủ yếu, việc quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia của tỉnh Điện Biên cũng có không ít khó khăn, thách thức đan xen. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới của tỉnh còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp; các thế lực thù địch, phản động tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” để chống phá; các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, dân tộc, tôn giáo, tuyên truyền đạo trái pháp luật, di cư tự do, xuất nhập cảnh trái phép, hoạt động của các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy xuyên quốc gia với tính chất ngày càng nghiêm trọng, nguy hiểm, ảnh hưởng tới an ninh chính trị - trật dự an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Tình hình trên đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, lực lượng vũ trang từ tỉnh đến cơ sở, nhất là BĐBP tỉnh cần tiếp tục phát huy tính tích cực, chủ động, nhạy bén, nắm, dự báo chính xác tình hình nội, ngoại biên, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, góp phần quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Trong đó cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, nắm vững và thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia”; Luật Biên giới quốc gia; Luật Biên phòng Việt Nam, Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”... đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống.

Hai là, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp, các ngành và sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân các dân tộc trong tỉnh; trong đó BĐBP là lực lượng vũ trang nhân dân, thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, ổn định lâu dài trong nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc.

Ba là, tập trung xây dựng, củng cố cơ sở chính trị các xã biên giới vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng tổ chức đảng các xã biên giới vững mạnh; quan tâm đến công tác phát triển đảng, nhất là ở các bản chưa có tổ chức đảng; chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại chỗ, tạo nguồn cán bộ là người dân tộc; nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ cơ sở, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bốn là, quan tâm đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thực hiện các dự án ở khu vực biên giới nhằm thu hút lao động, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các dân tộc khu vực biên giới; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố cơ sở chính trị, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại với chính quyền, lực lượng vũ trang của Lào và Trung Quốc, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển.

Năm là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các lực lượng và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tham gia đấu tranh phòng, chống có hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm xuyên biên giới về ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại, giảm thiểu các tác động an ninh phi truyền thống… Đẩy mạnh chương trình đưa văn hóa thông tin về cơ sở; nâng cao chất lượng xây dựng điểm sáng văn hóa vùng biên, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các dân tộc ở khu vực biên giới.

Sáu là, xây dựng lực lượng BĐBP tỉnh có chất lượng tổng hợp cao, vững về chính trị, tư tưởng, giỏi về quân sự, am hiểu về pháp luật, tinh thông về nghiệp vụ, thành thạo ngoại ngữ, tiếng các nước láng giềng, tiếng đồng bào các dân tộc. Thường xuyên bám trụ, bám dân, bám địa bàn, thực hiện cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc, bảo vệ dân, bảo vệ biên giới. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Với tinh thần đoàn kết, khát vọng vươn lên, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên quyết tâm đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, chung sức, đồng lòng phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng khu vực biên giới tỉnh Điện Biên vững mạnh về mọi mặt, trở thành phòng tuyến vững chắc về an ninh, quốc phòng nơi “phên giậu” Tổ quốc.

Bình luận
Back To Top