Huế hướng tới thành phố sáng tạo của UNESCO

15:53 - Thứ Ba, 26/09/2023 Lượt xem: 5016 In bài viết

Ẩm thực được xem là “kho báu” của Cố đô Huế (Thừa Thiên Huế) khi địa phương đang sở hữu hàng nghìn món ăn từ cung đình đến dân gian, các món chay, các loại bánh, bún, chè đặc sản... được du khách trong nước và quốc tế đánh giá cao khi đến địa phương này. Với thế mạnh trong lĩnh vực ẩm thực, Huế đang hướng đến xây dựng thành phố sáng tạo của UNESCO.

PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, đến thời điểm này, Hà Nội là thành phố duy nhất ở Việt Nam đã chính thức tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO  (UCCN) ở lĩnh vực thiết kế vào năm 2019.

“Sau khi Hà Nội tham gia vào UCCN, năm 2021, Bộ VH-TT&DL tiếp tục triển khai kế hoạch xây dựng Đề án phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo Việt Nam và đã xác định các thành phố tiềm năng: Huế, Hạ Long, Đà Nẵng, Đà Lạt, Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh. Trong đó, Huế là địa phương có nhiều tài nguyên văn hóa nổi bật như: ẩm thực, thủ công mỹ nghệ thuật, nghệ thuật dân gian - chính là lợi thế để Huế tham gia mạng lưới này”, PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ.

Học sinh trải nghiệm làm bánh pháp lam tại Huế.

Tại Hội thảo “Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO và khả năng chuyển hóa các nguồn tài nguyên văn hóa ở Huế” diễn ra ngày 22/9 vừa qua, một số chuyên gia cho rằng, Huế phù hợp với thành phố sáng tạo ở nghề thủ công truyền thống bởi địa phương đã có kinh nghiệm và phát huy thương hiệu của nhiều kỳ Festival Nghề truyền thống Huế. Trong khi đó, nhiều chuyên gia và lãnh đạo tỉnh lại định hướng ở lĩnh vực ẩm thực.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho biết, một số thành phố sáng tạo ẩm thực tại châu Á như Jeonju (Hàn Quốc), Dương Châu, Thành Đô (Trung Quốc) có điểm khá tương đồng với Huế, đó là các thành phố đều có lịch sử lâu đời, là những thực thể sống động với sự đa dạng về các biểu đạt văn hóa và hầu hết đều có đan xen các thế mạnh về ẩm thực, thủ công và nghệ thuật dân gian. Đặc biệt, Jeonju và Huế đều từng là Cố đô với hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ lưu giữ nhiều giá trị văn hóa ẩm thực, thủ công và nghệ thuật dân gian, trang phục truyền thống Hanbok và Áo dài mang đậm bản sắc của mỗi dân tộc. Chính vì thế, ngay từ khởi đầu, việc lựa chọn hoặc ẩm thực, hoặc thủ công và nghệ thuật dân gian thường không đơn giản đối với các thành phố.

Từ những gợi mở kinh nghiệm quốc tế và các kết quả khảo sát tiền khả thi, nhiều ý kiến giả định TP Huế có nhiều lợi thế để lựa chọn lĩnh vực ẩm thực. Nếu theo lựa chọn này, quá trình chuẩn bị dữ liệu cho hồ sơ đăng ký trở thành thành viên của UCCN vào năm 2025 hoặc năm 2027 cần phải được triển khai có lộ trình bài bản ngay từ bây giờ. Các chuyên gia lưu ý, trong quá trình triển khai, Huế rất cần tham khảo kinh nghiệm của Jeonju trong việc thành lập nhóm tư vấn, hoặc ủy ban tư vấn với sự tham gia của các đại diện chính quyền, các chuyên gia, các nhà sáng tạo trong lĩnh vực ẩm thực và các doanh nghiệp...

“Ở thời điểm hiện tại, dựa trên các kết quả khảo sát ban đầu và chưa đầy đủ, chúng tôi nhận thấy, có một số tiêu chí của hồ sơ ẩm thực thuộc UCCN đang được nhìn nhận là thế mạnh của Huế và cần được phát huy. Cụ thể, cần phát huy thế mạnh “Kinh đô ẩm thực của Việt Nam” để định vị Huế là tiêu điểm ẩm thực Đông Nam Á. Dựa trên sự đa dạng của các món ăn, trong đó có hàng nghìn món ăn đã được kiểm kê, thuộc 3 loại: ẩm thực dân gian, ẩm thực cung đình, ẩm thực chay triển khai các sáng kiến quốc tế hóa món ăn Việt Nam.

Gắn kết ẩm thực với không gian văn hóa Cố đô, các giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là nghề thủ công, nghệ thuật dân gian và trang phục áo dài trong chiến lược phát triển Huế theo hướng bền vững từ sự chuyển hóa năng động các nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm của nhóm ngành công nghiệp văn hóa”, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ.

Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho biết, nhằm tôn vinh giá trị ẩm thực Huế, thời gian qua, tỉnh đã xây dựng đề án “Kinh đô ẩm thực” và đăng ký sở hữu trí tuệ đối với một số món ăn đặc sản Huế. Nhiều năm nay, tỉnh đã nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, thúc đẩy sự sáng tạo để ẩm thực phát triển, góp phần tạo sinh kế, giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân và tạo ra các sản phẩm văn hoá - du lịch độc đáo của địa phương. Điều này phù hợp các yêu cầu mà UNESCO đặt ra cho các ứng cử viên tham gia mạng lưới.

“Huế lựa chọn lĩnh vực ẩm thực để tham gia UCCN. Bởi, đây là một trong những thành tố quan trọng của văn hóa Huế, đáp ứng những nhu cầu của xã hội đồng thời tạo cơ hội xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế gắn liền phát triển tài nguyên văn hóa và con người, bảo vệ môi trường sinh thái”, ông Phan Ngọc Thọ chia sẻ và cho biết,  Huế là vùng đất có chiều dài lịch sử, hội tụ những giá trị đặc sắc trong dòng chảy văn hóa Việt Nam qua nhiều thời kỳ. Việc lựa chọn mô hình đô thị sáng tạo là định hướng quan trọng đối với Huế là cơ hội để chuyển giá trị di sản thành tài sản để người dân có thể làm giàu từ chính những gì họ đang có, đang tự hào gìn giữ.

Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) ra đời từ năm 2004, với sự tham gia của 180 thành phố thuộc 72 quốc gia trên thế giới. Đến năm 2023, có 301 thành phố đã gia nhập mạng lưới UCCN. Mạng lưới UCCN nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh với tôn chỉ hướng tới thúc đẩy “nguồn lực văn hóa” và “sáng tạo văn hóa” làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Có 7 lĩnh vực sáng tạo được xác định để UNESCO xét ghi danh, tham gia mạng lưới, gồm: thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông đa phương tiện và âm nhạc.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top