Học sinh, sinh viên khó tìm việc làm sau đào tạo

Đòi hỏi đổi mới giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề

09:11 - Thứ Năm, 17/02/2022 Lượt xem: 4900 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học phải đối mặt với áp lực tìm kiếm việc làm. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, nỗi lo làm sao tìm được việc làm càng lớn hơn…

Người lao động, trong đó nhiều đối tượng là học sinh, sinh viên tham gia phiên giao dịch trực tuyến tìm kiếm việc làm do Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức. Ảnh tư liệu

Như thường lệ, sáng sớm hàng ngày anh Vì Văn Mường, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) thức dậy sớm để chuẩn bị đồ đạc, đi lái máy xúc thuê cho một doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn. Mỗi ngày anh Mường làm 8 giờ và đều đặn tăng ca từ 1 - 2 giờ mỗi đêm. Dù công việc vất vả nhưng với anh Vì Văn Mường, đây là công việc tốt nhất ở thời điểm hiện tại bởi nếu không đi làm thì cuộc sống gia đình vốn dĩ đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Anh Mường chia sẻ, năm 2014 sau khi tốt nghiệp chuyên ngành y, Trường Cao đẳng Y tế Điện Biên, do không xin được việc nên phải đi học nghề với mong muốn sớm tìm được việc làm. “Nhiều lúc nghĩ cũng khổ anh ạ! Gia đình hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ đầu tư cho mấy anh em đi học với mong muốn có nghề ổn định, đi thoát ly để cuộc sống đỡ vất vả hơn. Nhưng nhiều lần cầm hồ sơ dự tuyển vào các cơ quan, đơn vị theo chuyên ngành mình học thì đều phải quay về. Giờ thì em cũng đã xác định rằng, việc gì cũng được, miễn sao có việc làm trong bối cảnh hiện nay đã là tốt lắm rồi” - anh Mường bộc bạch.

Cũng mang nặng tâm tư như anh Mường, nhưng hoàn cảnh của chị Lò Thị Loan ở xã Nặm Lịch (huyện Mường Ảng) khó khăn hơn nhiều. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm mầm non (Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên), mãi không tìm được việc làm, chị lập gia đình. Mới 23 tuổi nhưng đến nay chị Loan đã có 2 con. Chị Loan cho biết, trước đây gia đình thuộc hộ nghèo nên việc cho chị đi học là quyết định rất khó khăn với bố mẹ. Song với mong muốn “con hơn cha”, gia đình cũng đã rất cố gắng, tạo mọi điều kiện để con cái được đến trường sau này đỡ vất vả. Nhưng ước mong đó đã không còn, bởi khi sau khi ra trường nhiều năm vẫn không tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn mà chị theo học. Vậy nên, bấy lâu nay, chị Loan đành chấp nhận ở nhà với công việc ruộng nương và chăm con nhỏ.

Không chỉ chị Loan, anh Mường mà theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi năm, tỉnh ta có hàng trăm sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học ra trường không có việc làm hoặc có việc làm nhưng làm trái ngành, không liên quan đến trình độ chuyên môn, bằng cấp. Khắc phục tình trạng đó, thời gian qua, việc hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông (THPT) đang được ngành Giáo dục và Đào tạo đặc biệt quan tâm. Qua hướng nghiệp, không chỉ giúp học sinh hiểu về nghề để lựa chọn cho mình một ngành phù hợp với sở thích, năng lực, hoàn cảnh gia đình, nhu cầu của xã hội. Thầy Bùi Văn Thành, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Giót, TP. Điện Biên Phủ cho biết: Việc hướng nghiệp cho học sinh luôn được Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn, chỉ đạo ngay từ đầu các năm học. Theo đó, Ban Giám hiệu nhà trường sẽ tổ chức cuộc họp để lên kế hoạch cho hoạt động hướng nghiệp, phân công mỗi thầy cô giáo có nhiệm vụ hướng nghiệp cho học sinh. Trong giờ học, giáo viên sẽ giới thiệu, phân tích đặc điểm của một số ngành nghề, yêu cầu cần thiết để đáp ứng với từng lĩnh vực nghề. Chính vì thế, thời gian qua, nhà trường luôn quan tâm đến giáo dục hướng nghiệp, nắm bắt kịp thời những nguyện vọng, sở thích, khuyến khích, động viên các em thi vào các trường chuyên nghiệp theo khả năng của mình. Có thể nói, hướng nghiệp cho học sinh là việc làm quan trọng, không chỉ giúp học sinh hiểu, nhìn nhận năng lực bản thân một cách khách quan mà còn giúp các em có bước đi vững trên con đường sự nghiệp sau này, nhất là đối với học sinh vùng sâu, vùng xa.

Ngoài được định hướng nghề ngay từ cấp THPT, những năm gần đây, nắm bắt nhu cầu nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang thiếu nguồn lao động qua đào tạo, các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các trường cao đẳng chuyên nghiệp như: Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên, Cao đẳng Nghề Điện Biên thực hiện phương châm đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường, doanh nghiệp sử dụng lao động. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay cũng đã quan tâm thực hiện mô hình liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, tăng cường trao đổi hợp tác với các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, phát huy hiệu quả mô hình đào tạo gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở tất cả ngành nghề và tổ chức cho giáo viên, học sinh sinh viên đi thực hành, thực tế sản xuất tại các nhà máy, công trình, công xưởng trong quá trình đào tạo, đảm bảo đầu ra qua sự cam kết tuyển dụng của doanh nghiệp sau đào tạo. Ông Lưu Quang Vũ, Trưởng phòng Đào tạo - Hướng nghiệp và Tư vấn việc làm (Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên) cho biết: Nắm bắt nhu cầu lao động của thị trường và xã hội, trường đã và đang đào tạo nhiều ngành nghề phù hợp với nguyện vọng của học sinh, sinh viên. Đặc biệt, từ năm học 2019 - 2020, Trường đã đào tạo song song 2 chương trình cho đối tượng học sinh học hết lớp 9: Vừa học văn hóa phổ thông để thi tốt nghiệp THPT vừa học ngành/nghề, ra trường có 2 bằng để đi làm. Mô hình học song song 2 bằng đã thu hút và đáp ứng nguyện vọng của đông đảo học sinh và gia đình bởi các em được rất nhiều chế độ ưu đãi, như: Miễn học phí; học sinh người dân tộc thiểu số được hỗ trợ bằng 1 tháng lương cơ bản; được ưu tiên ở ký túc xá... Có thể nói, với nhiều mã ngành, nghề và các hình thức đào tạo đang được nhà trường tổ chức giảng dạy, sẽ góp phần nào đó vào bài toán giải quyết việc làm của học sinh, sinh viên cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Quang Long
Bình luận

Tin khác

Back To Top