Khảo sát xây dựng các đề án liên quan đến giáo dục mầm non

17:58 - Thứ Tư, 20/04/2022 Lượt xem: 5869 In bài viết

ĐBP - Chiều ngày 20/4, Sở Giáo dục và Đào tạo làm việc với đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc khảo sát xây dựng Đề án Phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em mẫu giáo và Đề án Phát triển GDMN vùng khó khăn giai đoạn 2023 - 2030.

Đoàn khảo sát Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên.

Chuyến khảo sát của Bộ GD&ĐT nhằm nắm rõ tình hình thực tiễn, kết quả, khó khăn và tiếp thu những đề xuất, giải pháp phát triển GDMN và phổ cập GDMN tại địa bàn miền núi như Điện Biên. Từ đó, đoàn công tác tham mưu, xây dựng 2 đề án trên trình Chính phủ vào cuối năm 2022.

Báo cáo tại buổi làm việc, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh thông tin: Các trường mầm non được phẩn bổ rộng khắp các xã trong tỉnh. Tính đến tháng 5/2021, tỉnh có 166 trường mầm non công lập, 856 điểm trường lẻ và 3 trường mầm non tư thục, 12 nhóm lớp độc lập tư thục. Tổng số trẻ em học tại các trường công lập là 60.746 trẻ, chiếm 99,3%. Tỉnh Điện Biên có tỷ lệ các lớp mẫu giáo ghép khá cao, với 898/1.824 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép, tỷ lệ 49,2%.

Trong giai đoạn 2015 - 2021, tỷ lệ huy động trẻ ra học tại các cơ sở giáo dục mầm non tăng nhanh, đặc biệt với trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ đạt 45,2%, mẫu giáo đạt 99,6%, riêng trẻ 5 tuổi đạt 99,9%. 100% nhóm, lớp được học 2 buổi/ngày, 100% trẻ được kiểm tra sức khỏe và theo dõi sự phát triển, đảm bảo an toàn cả về thể chất và tinh thần...

So với mục tiêu cụ thể đến năm 2025 của Đề án Phát triển GDMN giai đoạn 2018 - 2025 vượt 10,2% về tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp, vượt 4,6% về tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo ra lớp...

Các đại biểu trao đổi, thảo luận nhiều ý kiến xoay quanh các nội dung: Công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp của tỉnh giai đoạn tới; lộ trình phát triển giáo dục mầm non gắn với quy hoạch phát triển vùng Tây Bắc; giải pháp hỗ trợ, giúp trẻ mầm non dân tộc thiểu số dễ tiếp thu tiếng phổ thông và tiếp cận bình đẳng giáo dục; chính sách, chế độ hỗ trợ ăn trưa, chi phí học tập cho trẻ độ tuổi nhà trẻ; đội ngũ giáo viên và nhân viên thiếu, gây khó khăn trong thực hiện chương trình GDMN 2 buổi/ngày và phổ cập GDMN...

Đó cũng là những khó khăn, hạn chế mà Điện Biên gặp phải trong thực hiện chương trình GDMN. Điện Biên đề xuất, kiến nghị với Đảng, Chính phủ ưu tiên ngân sách, quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, nhà công vụ cho giáo viên vùng khó của tỉnh; tiếp tục thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên trong giai đoạn 2021 - 2025, lộ trình đến năm 2030; có chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ vùng đặc biệt khó khăn và nâng mức hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo; có chính sách hỗ trợ trực trưa cho giáo viên vùng đặc biệt khó khăn dạy 2 buổi/ngày.

Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan, Điện Biên kiến nghị tham mưu với Chính phủ nâng mức hỗ trợ cho giáo viên mầm non dạy ở lớp mẫu giáo ghép, dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số; có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc đánh giá trẻ hoàn thành chương trình GDMN...

Trước buổi làm việc, đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khảo sát thực tế tại huyện Điện Biên và Tuần Giáo; ghi nhận thông tin thực tế và đề xuất, kiến nghị của tỉnh Điện Biên, tham mưu xây dựng hoàn thiện các đề án.

Tin, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top