Người tốt - việc tốt

Người “gieo mầm trên đá”

05:44 - Thứ Tư, 07/09/2022 Lượt xem: 29681 In bài viết

ĐBP - Cô Trần Thị Phương là giáo viên mầm non đầu tiên gắn bó với lớp học đơn sơ được dựng lên giữa thôn Tà Chinh, xã Tả Sìn Thàng (huyện Tủa Chùa). Cô giáo Phương hiện đang công tác tại Trường Mầm non Tủa Thàng số 2, cũng là người đầu tiên giúp bà con Tà Chinh thay đổi tư duy cho trẻ đến lớp.

Cô giáo Phương chăm sóc học trò.

Những ngày đầu bước chân đến mảnh đất Tà Chinh, nơi đa phần diện tích tự nhiên là những triền đá tai mèo xám xịt, cô Phương không khỏi bất ngờ khi nhìn thấy trẻ nhỏ nơi đây như cây thông ở rừng, sinh ra rồi thì tự chơi, tự ngủ, đói tự tìm cái ăn mà lớn lên. Bà con người Mông sinh sống bao đời chỉ biết “chọc lỗ tra hạt”, gia đình nào tiến bộ lắm thì cũng cho con tầm 6, 7 tuổi vào học lớp 1, chứ trẻ nhỏ học hành gì mà cho đến lớp mầm non. Vì thế mà cô Phương gặp không ít khó khăn khi vận động trẻ tới lớp.

Cô Phương cho biết: Năm 2003 tôi đến Tà Chinh nhận nhiệm vụ. Biết lên vùng cao sẽ vất vả, nhưng tận mắt chứng kiến, tôi vẫn thật sự sốc. Cơ sở lớp học không có bất cứ thứ gì, cả bản nhìn quanh chỉ thấy rải rác vài nóc nhà giữa hoang hoải mênh mông đá tai mèo. Vì là đi theo chương trình xóa “bản trắng” nên tôi phải vào trước mấy ngày so với quyết định chính thức từ 1/9 để chuẩn bị.

Từ lớp học được bố trí mượn tạm tại gian bếp của trường tiểu học, cô Phương bắt tay vào lau dọn, rồi xin vôi về quét tường. Sau khi có lớp học, cô Phương bắt đầu cuộc hành trình đi tìm học sinh. Không thuộc địa bàn, không biết tiếng, cô nhờ một học sinh tiểu học đi cùng để kết nối. Đến từng nhà rà soát xem có con em trong độ tuổi thì vận động ra lớp; cô Phương cũng tranh thủ nhặt vỏ, nắp chai nhựa, lon nước ngọt, hoặc thanh tre, gỗ vụn... về tự làm đồ dùng dạy học. Để rồi, những đứa trẻ đầu tiên tới lớp “mắt tròn mắt dẹt” chăm chú nhìn đồ chơi, vật dụng, hình thù cô Phương trang trí trong lớp rồi tươi cười, thích thú. Cứ thế qua mỗi ngày, số trẻ đi học đông dần lên.

Trong tâm trí ông Thào A Páo, người có uy tín ở thôn Tà Chinh, hình ảnh về cô giáo Phương cho đến giờ vẫn đầy thân thương và cảm mến. Ông Páo cho biết: Từ ngày cô Phương về, lớp học mầm non luôn là nơi thu hút bọn trẻ trong vùng. Những ngày đầu, lớp học chỉ có vỏn vẹn hơn chục trẻ 5 tuổi, nhưng từ sự nhiệt tình, tâm huyết của cô giáo trong giảng dạy, chăm sóc mà số trẻ đi học ngày càng tăng. Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ trẻ mầm non ra lớp đúng độ tuổi ở Tà Chinh luôn đảm bảo, điểm trường cũng đã được đầu tư khang trang hơn.

Sau nhiều năm gắn bó với học sinh vùng cao Tủa Chùa, hiện giờ cô Phương đã giữ vai trò quản lý - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tủa Thàng số 2, song cô giáo vẫn thường xuyên xuống lớp dạy trò. Khi được tận tay chăm sóc trẻ từ việc cho ăn, vệ sinh tay chân, tổ chức hoạt động vui chơi, trải nghiệm... với cô Phương, những lúc đó chính là thời điểm cô hạnh phúc nhất, có thể quên hết mọi lo toan cuộc sống để hết lòng vì sự nghiệp “trồng người”.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top