Để mùa tựu trường trọn vẹn

07:32 - Thứ Năm, 08/09/2022 Lượt xem: 6332 In bài viết

ĐBP- Mỗi dịp đầu năm học, các thầy, cô giáo cắm bản ở vùng cao lại chuẩn bị khăn gói lên các điểm trường để chuẩn bị cho mùa “gieo” chữ mới trên các bản, làng vùng cao...

Cô giáo điểm trường mầm non Huổi Quang 1, Trường Mầm non Ma Thì Hồ vận động đưa trẻ ra lớp.

Cô giáo Lò Thị Biên tại điểm trường mầm non Huổi Quang 1, là một trong số hàng nghìn thầy cô giáo cắm bản vùng cao nơi biên giới cực Tây của Tổ quốc như thế. Cô Biên chia sẻ: Điểm trường Huổi Quang 1, thuộc Trường Mầm non Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà). Huổi Quang 1 là bản vùng sâu, vùng xa của xã, giao thông cách trở, đặc biệt là vào mùa mưa; người dân 100% là đồng bào dân tộc Mông, tỷ lệ hộ nghèo cao. Người dân chưa quan tâm đến việc học tập của con cái. Nên ngay từ 1/8, chúng tôi đã phải chuẩn bị hành trang lên điểm trường dọn dẹp, chỉnh trang khuôn viên trường lớp học, lau dọn đồ dùng học tập; thực hiện công tác điều tra phổ cập và đến từng nhà vận động học sinh ra lớp. Do đặc thù vùng cao đường đi chủ yếu là trèo đèo, lội suối và đường mòn nên rất vất vả, có khi cả buổi chỉ đến được 1 - 2 nhà; nhiều khi còn không gặp vì các em theo bố mẹ lên ở trên lán nương. Gần đây nhất, để đảm bảo tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đạt 100%, tôi cùng 2 cô giáo phụ trách tại điểm trường phải trèo đèo, lội suối gần 1 ngày, đến tận lán nương để cùng phụ huynh đưa con em mình về bản, kịp cho ngày khai giảng. Năm học này, điểm trường có 3 lớp với 77 trẻ (lớp nhà trẻ; lớp ghép 4, 5 tuổi và lớp 3 tuổi) trong đó lớp nhà trẻ 31 cháu, tỷ lệ huy động ra lớp đạt 100%.

Năm học 2022 - 2023, Trường Mầm non Ma Thì Hồ có 30 lớp (20 lớp mẫu giáo; 10 lớp nhà trẻ) với tổng số 731 học sinh (mẫu giáo 470 học sinh, nhà trẻ 261 học sinh). Trẻ mẫu giáo huy động ra lớp đạt 100%; nhà trẻ huy động ra lớp đạt 51,5%. Cô giáo Phạm Thị Huyền Trang, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trước khi vào năm học mới, Trường đã chủ động xây dựng phương án bố trí giáo viên một cách linh hoạt và phân công giáo viên lên các điểm bản để tuyên truyền vận động phụ huynh đưa con em ra lớp. Ban giám hiệu nhà trường thường xuyên quan tâm, kịp thời hỗ trợ và khắc phục những khó khăn tại các điểm bản để cùng giáo viên huy động học sinh ra lớp. Tuy nhiên, trường đứng chân trên địa bàn xã biên giới, đặc biệt khó khăn; địa bàn trường quản lý rộng, nằm rải rác ở các bản lẻ cách xa nhau, giao thông đi lại khó khăn, nhất là mùa mưa. Đời sống kinh tế của nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Trẻ nhà trẻ mới ra lớp chưa biết tiếng phổ thông... dẫn đến việc huy động học sinh ra lớp còn nhiều khó khăn.

Để chuẩn bị cho ngày hội đón trẻ đến trường, ngay từ những ngày đầu tháng 8, Trường PTDT Bán trú Tiểu học bản Bua, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng đã chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học, công tác tuyển sinh... Thầy giáo Ngô Trọng Định, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Năm học 2022 - 2023, Trường có 21 lớp, 532 học sinh. Để đảm bảo điều kiện dạy học, đầu tháng 8, Trường tổ chức phun khử khuẩn toàn bộ trong và ngoài khuôn viên trường lớp; vệ sinh phòng học, lớp học, ngâm rửa đồ dùng học tập. Đồng thời, thay mới một số đồ dùng bán trú tại các phòng bán trú như chiếu, chăn, gối... bổ sung các trang thiết bị phòng chống dịch (chậu rửa tay, nước rửa tay sát khuẩn), đảm bảo học sinh đến trường được an toàn. Cùng với việc chuẩn bị cơ sở vật chất, cảnh quan, vệ sinh môi trường; với đặc thù là trường dân tộc bán trú, trường đã chỉ đạo nhân viên phục vụ nấu ăn tổng vệ sinh bếp ăn bán trú. Các đồ dùng cá nhân của học sinh như cốc uống nước, khay, bát ăn... Trường ký kết với các nguồn cung thực phẩm đảm bảo chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho bữa ăn của học sinh.

Thông tin từ ngành Giáo dục và Đào tạo, năm học 2022 - 2023 toàn ngành có 481 trường, 7.436 lớp và trên 207.600 học sinh. So với năm học trước giảm 1 trường (cấp mầm non); tăng 60 lớp, tăng 2.974 học sinh. Để chuẩn bị cho năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở giáo dục thực hiện tốt công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp; công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học. Đồng thời, tổ chức các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị từ cơ sở vật chất, vệ sinh khử khuẩn, phương án cách ly y tế, kế hoạch tổ chức dạy học, hoạt động giáo dục linh hoạt, thích ứng với công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới trước khi đón trẻ tới trường năm học mới... Với sự quan tâm, nỗ lực, chủ động về mọi mặt, tin rằng năm học mới 2022 - 2023 sẽ là một năm học thành công của tỉnh Điện Biên.

Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top