Hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng

07:35 - Thứ Hai, 12/09/2022 Lượt xem: 4849 In bài viết

ĐBP - Đầu năm học 2022 - 2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường triển khai hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông. Đây cũng là nội dung được ngành GD&ĐT tỉnh ta quan tâm triển khai và thực hiện có hiệu quả trong những năm học gần đây. Qua đó giúp nhiều học sinh ổn định tâm lý, tư tưởng, xác định được mục tiêu phấn đấu và giải quyết được khúc mắc, vượt qua những trở ngại trong cuộc sống.

Giáo viên Trường THPT TP. Điện Biên Phủ hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh nhà trường.

Học sinh mỗi địa bàn, với đặc thù riêng, có thể gặp phải những khó khăn, vướng mắc khác nhau trong học tập và cuộc sống. Bởi vậy, công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh tại mỗi trường phổ thông trong tỉnh ta cũng diễn ra có phần khác nhau. Tại Trường THPT Mường Nhà (huyện Điện Biên), học sinh hầu hết là con em đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống tại 6 xã xa xôi khó khăn nhất của huyện Điện Biên và 1 xã vùng cao Pú Hồng (huyện Điện Biên Đông), tình trạng học sinh bỏ học lập gia đình, đi làm ăn xa... diễn ra phổ biến. Đây cũng là khu vực có một số điểm phức tạp về tệ nạn ma túy. Thầy Đỗ Cao Thượng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường luôn coi trọng công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho các em, không chỉ là tư vấn tâm sinh lý lứa tuổi, sức khỏe sinh sản vị thành niên, ứng xử với bạn bè, người thân, tư vấn nghề nghiệp... mà chú trọng tư vấn giúp các em nhận thức đúng đắn về các vấn đề trong cuộc sống, giảm thiểu nguy cơ bỏ học và tránh xa tệ nạn xã hội”.

Qua nắm bắt, tìm hiểu của nhà trường, trung bình hàng năm có khoảng 10% (tương ứng với khoảng 40 học sinh) của trường có người nhà, người quen liên quan đến tệ nạn ma túy. Các em có nguy cơ bị lợi dụng, hoặc vô tình vi phạm pháp luật, thậm chí có thể lún vào tệ nạn. “Vì thế thầy cô thường tìm cơ hội gặp gỡ, trò chuyện riêng với từng trường hợp, hỏi han chuyện gia đình, hướng các em đến các mục tiêu trong cuộc sống, trách nhiệm với gia đình như đỡ đần mẹ, nuôi dạy, chăm lo các em khi có bố đi cải tạo... để các em có ý thức tránh xa ma túy. Nhờ đó hầu hết các em có nhận thức cao hơn, biểu hiện tốt hơn, phấn đấu học tập và rèn luyện, không có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra” - thầy Thượng chia sẻ.

Còn tại địa bàn thành phố, Tổ hỗ trợ, tư vấn tâm lý học sinh của Trường THPT TP. Điện Biên Phủ lại hỗ trợ nhiều trường hợp đặc biệt khác. Năm học trước, cô giáo Mai Thị Hoài Châu, thành viên Tổ đã đồng hành, chia sẻ giúp cho 2 học sinh xác định được đúng giới tính của mình, lấy lại sự tự tin và hồn nhiên, hòa đồng với bạn bè. Cô Châu kể lại: “2 học sinh ở 2 lớp khác nhau, sau khi trở thành cô trò thân thiết, các em chủ động chia sẻ câu chuyện của mình với tôi. Các em nhận thấy mình có sở thích, phong cách, sự thu hút giới tính khác những bạn cùng giới khác, các em nghĩ mình thuộc cộng đồng LGBT (đồng tính nam, nữ, song tính, chuyển giới). Vì thế ngại giao tiếp, ít tham gia các hoạt động chung, chỉ chơi với nhóm 3 - 4 bạn trong lớp, vì sợ các bạn biết sẽ trêu đùa mình. Các em cũng sợ làm bố mẹ thất vọng nên không dám chia sẻ với gia đình”. Lần đầu hỗ trợ, tư vấn các em về vấn đề này, cô Châu dành nhiều thời gian đọc, nghiên cứu về giới tính và cộng động LGBT, hướng dẫn các em tìm hiểu các tài liệu để tự giải đáp về bản thân mình. 3 tháng liền cô trò cùng chia sẻ, các em đã xác định được mình đang trong giai đoạn bức bối giới, làm rõ băn khoăn về giới tính, vì thế lại vui vẻ, tự tin, hòa nhập với bạn bè, có năm tháng tuổi học trò tươi đẹp.

Cô Nguyễn Thị Hằng Nga, Hiệu phó Trường THPT TP. Điện Biên Phủ cho biết: Mỗi học sinh một tâm tư, tình cảm với những vấn đề khác nhau. Có em bộc lộ ra, dễ dàng chia sẻ, có em thì không. Vì thế tổ tư vấn của nhà trường phải thực hiện hỗ trợ, tư vấn bằng nhiều hình thức từ các hoạt động tập thể, công khai đến các fanpage chia sẻ giấu tên, hòm thư email “những điều em muốn nói”, và bố trí phòng y tế, văn phòng đoàn làm nơi tư vấn riêng... Nhưng trên hết vẫn là sự quan tâm của thầy cô để nhận biết biểu hiện, tâm tư của học sinh, giúp các em ngăn chặn tâm lý tiêu cực. Năm học trước, ngoài những hoạt động chung, thầy cô nhà trường đã tư vấn, hỗ trợ đặc biệt cho hơn 20 trường hợp, chủ yếu là về mâu thuẫn với gia đình, chọn ngành nghề, giới tính, gặp khó khăn, tiêu cực...

Có thể thấy, việc hỗ trợ, tư vấn tâm lý rất cần thiết đối với lứa tuổi học sinh phổ thông, tâm sinh lý thay đổi và bị tác động nhiều bởi xã hội hiện đại. 100% trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh ta duy trì tổ tư vấn. Các cơ sở giáo dục đã áp dụng nhiều hình thức, cách làm, bố trí phòng hoặc góc tư vấn tâm lý phù hợp với học sinh, đảm bảo tính giáo dục, thân thiện, thuận lợi. Đầu năm học 2022 - 2023, thời điểm này, các trường đang kiện toàn, củng cố các tổ hỗ trợ, tư vấn, khẳng định sẽ tiếp tục chú trọng làm tốt công tác này.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top