Sức bật giáo dục Mường Nhé

10:11 - Thứ Tư, 19/10/2022 Lượt xem: 5879 In bài viết

ĐBP - Cùng với sự phát triển của huyện, ngành Giáo dục và Đào tạo Mường Nhé đã tạo được sức bật đáng kể, đáp ứng nguyện vọng học tập của nhân dân, yêu cầu của sự nghiệp giáo dục và đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội của huyện.

Giờ học của cô và trò lớp 4A2, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trần Văn Thọ.

Mường Nhé, nơi mảnh đất heo hút gió ngàn của những cung đường biên cương, uốn lượn theo triền núi, quanh năm sương trắng phủ mờ; những ngôi nhà của đồng bào dân tộc Thái, Mông nằm cheo leo trên những đỉnh núi. Nơi đó đã có biết bao thầy, cô giáo dành cả tuổi thanh xuân, miệt mài “gánh” con chữ đến với con em bản làng. Khi đặt chân lên Mường Nhé nhận nhiệm vụ, tôi được bắt đầu từ những câu chuyện, ký ức của các anh chị đồng nghiệp, những cán bộ quản lý giáo dục là những người đầu tiên cõng con chữ lên non, những câu chuyện đi bộ vượt đường rừng từ Mường Chà, Chà Cang vào Mường Nhé; đi công tác, giao ban, tập huấn... vượt đỉnh Tà Tổng sang Mường Tè...

Năm ấy, hàng trăm nhà giáo trẻ từ miền xuôi lên với giáo dục Mường Nhé. Đặc biệt có những cô giáo chẳng quản ngại thân gái dặm trường, mỗi người một điều kiện, hoàn cảnh nhưng đều có chung bầu nhiệt huyết, khát khao được cống hiến cho sự nghiệp “trồng người” của huyện từ những ngày đầu mới thành lập. Với tâm nguyện tất cả vì học sinh thân yêu, tất cả vì sự nghiệp giáo dục dân tộc, miền núi; các thầy, cô giáo đã vượt qua nhiều gian khó, cùng cấp ủy, chính quyền và đồng bào các dân tộc, từng bước gây dựng sự nghiệp giáo dục Mường Nhé phát triển. Biết bao tên tuổi các thầy, cô giáo gắn với bao ngôi trường, bao bản làng xa xôi hẻo lánh trong huyện. Như: bà Trần Mai Sim, bà Lò Thị Kiều Oanh, ông Trần Ngọc Kiên (nguyên là lãnh đạo phòng GD&ĐT qua các thời kỳ); các cựu giáo chức, như: ông Vàng Văn Pịch, ông Phạm Ngọc Sáng, bà Tống Thị Thu... Các anh chị nay đã là lãnh đạo các cơ quan đơn vị của huyện như: Chị Phạm Thị Quỳnh Minh, Lò Thị Kiều Oanh, Pờ Diệu Ninh, Phan Văn Uyên, Cà Văn Lả, Trần Mỹ Nam... Các thầy cô giáo hiện là lãnh đạo ngành như: thầy giáo Phạm Thiết Chùy, cô giáo Trần Thị Hải.

Ngày ấy, sự nghiệp GD&ĐT còn mỏng, yếu và manh mún, vượt qua những thách thức ban đầu, cùng với sự phát triển đi lên của huyện nhà, với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự đồng lòng giúp sức của người dân, của các bậc phụ huynh; những tấm lòng hảo tâm của các tổ chức, cá nhân trên khắp mọi miền của tổ quốc đóng góp xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất, trường lớp học cho các đơn vị trường. Và hơn hết đó là sự nỗ lực, tâm huyết của tập thể sư phạm, các thầy bám bản, bám lớp, bám trường. Đến nay hệ thống các trường mầm non, tiểu học, THCS đã được xây dựng, kiên cố hóa, hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học đã được đầu tư trang cấp tương đối đầy đủ, phòng công vụ, phòng bán trú; công trình nước sạch, công trình vệ sinh; máy tính và hệ thống phòng học tin học được nối mạng… là minh chứng rõ nhất cho sự nỗ lực, đổi mới căn bản, toàn diện và từng bước hòa nhập với nền giáo dục của tỉnh.

Cùng với công tác xây dựng, củng cố nâng cấp hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, thiết bị, chất lượng giáo dục dần được nâng lên. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được đặc biệt quan tâm, đưa ra nhiều quyết sách mang tính đột phá... xây dựng lộ trình đề nghị công nhận đạt chuẩn phù hợp với điều kiện thực tiễn. Đến nay ngành GD&ĐT Mường Nhé đã có 17/35 trường đạt chuẩn quốc gia.

Để khơi nguồn những ước mơ cho học sinh trên vùng đất biên cương Mường Nhé, mỗi thầy cô giáo nơi đây thực sự là một tấm gương tự học, tự rèn luyện. Đội ngũ sư phạm các trường đã nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học, không ngừng nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục và Đào tạo thực sự là những “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”, là những người cha, người mẹ thứ hai của học sinh, quan tâm chăm lo cho các em từng miếng ăn, giấc ngủ, truyền thụ kiến thức, dạy các em nét chữ, nết người, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xã hội... Không những đem cái chữ đến vùng cao, các thầy, cô giáo còn là cầu nối đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến gần hơn với nhân dân và phụ huynh học sinh.

Hai năm học gần đây, ngành GD&ĐT Mường Nhé đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức vì phải đối mặt với dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp. Trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, các thầy giáo, cô giáo luôn cố gắng nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện các hoạt động giáo dục của nhà trường, trong đó xây dựng phương án dạy học sát với tình hình diễn biến của dịch bệnh. Trước mắt khi tình hình dịch bệnh của địa phương đang được kiểm soát tốt, các trường tranh thủ dạy học bình thường theo chương trình giáo dục học kỳ 1, ưu tiên dạy các nội dung kiến thức cốt lõi, những nội dung không thể hoặc khó tổ chức dạy học trực tuyến. Quan tâm đến các lớp đầu cấp, cuối cấp và các lớp 1, 2, 3 đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới. Đội ngũ thầy, cô giáo luôn chủ động phòng, chống dịch Covid-19, giáo dục cho các em học sinh nâng cao ý thức phòng, chống dịch, giúp các em có thể tự bảo vệ mình, gia đình và xã hội.

20 năm sau khi chia tách, cùng với sự phát triển đi lên của huyện, ngành GD&ĐT Mường Nhé đã đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - chính trị; văn hóa - xã hội của huyện, góp phần phát huy sức mạnh đoàn kết, cùng với các cấp chính quyền nỗ lực phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho học sinh, người dân.

Bài, ảnh: Chử Hồng Tuấn
Bình luận

Tin khác

Back To Top