Bộ Giáo dục và Đào tạo giải quyết bài toán thiếu giáo viên ra sao?

14:22 - Thứ Sáu, 28/10/2022 Lượt xem: 6005 In bài viết

Chiều 27-10, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, ghi nhận ý kiến trao đổi của đại biểu về vấn đề thiếu giáo viên và giáo viên nghỉ việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có ý kiến phát biểu làm rõ hơn thực trạng và biện pháp giải quyết. Xác định nguyên nhân, xây dựng các chính sách ưu đãi, thu hút giáo viên để hạn chế tình trạng giáo viên nghỉ việc là các giải pháp đang được ngành Giáo dục tích cực triển khai.

Bậc mầm non hiện đang thiếu nhiều giáo viên nhất.

Số học sinh tăng trên 3 triệu, giáo viên chỉ tăng hơn 100 nghìn người 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, ngành Giáo dục đã phối hợp với ngành Nội vụ tính toán và xác định số lượng giáo viên từ nay đến năm 2026 cần phải bù đắp, bổ sung là 107.000 người. Con số này có thể còn biến động trước tình hình giáo viên nghỉ việc và cũng cần tính toán để bảo đảm vừa duy trì hoạt động dạy, học bình thường và thực hiện mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên như bỏ việc, giảm biên, do nhiều năm không tuyển, tuyển nhỏ hơn số cần, do thừa - thiếu cục bộ, do tăng dân số... Năm học 2015-2016, tổng số học sinh là trên 19 triệu, đến tháng 9-2022 là trên 23 triệu.

Trong khi đó, số giáo viên của tháng 9-2015 là 1.000.156 người, đến tháng 9-2022 là 1.227.000 người. Như vậy, số giáo viên chỉ tăng thêm hơn 100.000 người, trong khi số học sinh tăng trên 3 triệu. 

Thiếu giáo viên còn do việc phải triển khai một số môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông nhằm nâng cao năng lực, phẩm chất, kỹ năng của người học. Năm học 2022-2023, học sinh lớp 3 bắt buộc học tin học, ngoại ngữ; học sinh trung học phổ thông bắt đầu học môn mỹ thuật, âm nhạc. Theo thống kê, đến năm học 2024-2025, cả nước thiếu 26.228 giáo viên cho các môn học mới. 

Vừa qua, Bộ Chính trị đã duyệt giao cho ngành Giáo dục hơn 65.000 chỉ tiêu biên chế giáo viên từ nay đến năm 2026. Ngoài ra, các địa phương còn tồn đọng hơn 10.000 chỉ tiêu chưa tuyển dụng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị, các địa phương vừa tuyển dụng mới, vừa tuyển dụng số lượng còn tồn đọng này. 

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, trong số 65.000 chỉ tiêu được giao, tuy là lộ trình đến năm 2026, nhưng ngành Giáo dục mong ngành Nội vụ phối hợp để dồn chỉ tiêu này cho năm 2023 và 2024, bởi đây là các năm nhu cầu giáo viên cho các môn học mới rất lớn. Nếu như sau năm 2024, chương trình giáo dục phổ thông mới đã triển khai xong thì việc tuyển dụng không còn nhiều ý nghĩa.

Tuy nhiên, việc dồn vào tuyển dụng cũng sẽ dẫn đến những khó khăn khác như nguồn tuyển và tăng chỉ tiêu đào tạo. Các địa phương cần tuyển ngay, tránh tình trạng để dồn 2-3 năm mới tuyển. 

Giải bài toán thiếu giáo viên mầm non

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, số lượng giáo viên thiếu nhiều nhất và bỏ việc nhiều nhất là ở cấp mầm non. Số nghỉ việc ở bậc mầm non chiếm trên 40%. 

Trong tổng số gần 107.000 giáo viên còn thiếu của cả nước, cấp mầm non thiếu nhiều nhất với 44.000 giáo viên, tiếp đến là tiểu học thiếu gần 33.000 giáo viên, cấp trung học cơ sở thiếu hơn 18.000 và cấp trung học phổ thông thiếu gần 12.000 giáo viên.

Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên ở cấp mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho giáo viên. Hiện nay, phụ cấp ưu đãi của giáo viên mầm non là 35%. Một trong những phương án là tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non tương tự như phụ cấp ưu đãi của y tế cấp cơ sở. Phương án khác là tăng mức phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non từ 35% lên 70%. 

Một chính sách nữa để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên là cân nhắc việc giảm biên chế. Các địa phương đề nghị cần giám sát, thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng bảo đảm việc tuyển dụng công khai, công bằng, tránh phát sinh tiêu cực. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị, các địa phương tăng cường dùng ngân sách địa phương để ký các hợp đồng đối với giáo viên mà không thuộc các chỉ tiêu biên chế. Hiện nay, việc này còn thiếu căn cứ pháp lý để triển khai. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan để có cơ chế cho các địa phương thực hiện nội dung này. 

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top