Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 chỉ còn 4 môn

15:58 - Thứ Tư, 29/11/2023 Lượt xem: 4164 In bài viết

Từ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2025, thí sinh sẽ thi tốt nghiệp 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo đó, phương án được lựa chọn là phương án 2+2, tức là 2 môn thi bắt buộc (Ngữ văn, Toán) và 2 môn lựa chọn trong số các môn học còn lại của chương trình lớp 12 gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Nội dung thi tốt nghiệp THPT sẽ bám sát nội dung, mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Phương án thi tốt nghiệp THPT với 4 môn được kỳ vọng sẽ giảm áp lực cho thí sinh, tiết kiệm chi phí cho xã hội.

Về hình thức thi, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Ngân hàng câu hỏi thi và đề thi cho tất cả các môn được xây dựng theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực.

Về phương thức xét công nhận tốt nghiệp, theo Bộ GD&ĐT, sẽ kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp theo tỷ lệ phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình phổ thông 2018.

Về lộ trình thực hiện, Bộ GD&ĐT cho biết giai đoạn 2025 - 2030, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ tiếp tục giữ ổn định phương thức thi trên giấy. Giai đoạn sau 2030 sẽ từng bước thí điểm thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm ở các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính.

Khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện để tổ chức thi trên máy tính sẽ chuyển sang tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm.

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã lấy ý kiến xã hội về dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Theo dự thảo được công bố, về số môn thi, có 3 phương án lựa chọn là 4+2 (4 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn); phương án  3+2 (3 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn) và phương án 2+2 (2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn).

Bộ GD&ĐT cho rằng, các phương án lựa chọn đều có ưu, nhược điểm riêng. Nhưng nhiều địa phương lựa chọn phương án 2+2 và phương án này sẽ giảm áp lực thi cử cho thí sinh, giảm chi phí cho gia đình và cả xã hội…

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top