Sớm chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

09:05 - Thứ Sáu, 08/12/2023 Lượt xem: 3746 In bài viết

Quyết định giảm tải thi cử cho thí sinh lớp 12 trong kỳ thi tốt nghiệp vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố tuần qua nhận được sự đồng thuận cao. Theo đó, từ năm 2025, thí sinh chỉ phải thi 4 môn tốt nghiệp trung học phổ thông.

Các trường học trên địa bàn Hà Nội đã bắt đầu xây dựng kế hoạch với mục tiêu chuẩn bị thật chu đáo cho kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên của lứa học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Một tiết học của học sinh Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (quận Long Biên). Ảnh: Đỗ Tâm

Thầy, trò cùng chủ động

Thành phố Hà Nội có khoảng hơn 100.000 học sinh lớp 11 đang theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây là lứa học sinh sẽ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vào năm 2025 theo phương án 2+2 (gồm 2 môn bắt buộc là toán, ngữ văn và 2 môn tự chọn). Phương án này được xây dựng theo nguyên tắc giảm áp lực cho học sinh và giảm tốn kém cho khâu tổ chức thi.

Thời điểm này, những băn khoăn về việc liệu học sinh có chểnh mảng trong quá trình học các môn không thi cũng đã được giải tỏa. Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) Lê Việt Dương cho rằng, theo phương thức xét tốt nghiệp trung học phổ thông đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, để được xét công nhận tốt nghiệp, ngoài điểm bài thi, còn sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập của học sinh.

“Quy định này cũng được nhà trường thông tin đến toàn thể học sinh lớp 11 để các em chủ động có kế hoạch học tập, vừa đáp ứng tốt yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp, vừa có nhiều cơ hội trúng tuyển đại học”, ông Lê Việt Dương cho biết.

Còn theo cô giáo Nguyễn Thu Hải (Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú, quận Đống Đa), học sinh Hà Nội vốn có thế mạnh về ngoại ngữ. Đây cũng là môn học được cô và trò nhà trường coi trọng từ nhiều năm nay. Giáo viên luôn hỗ trợ tối đa cho học sinh có cơ hội phát huy năng lực ở các môn học yêu thích.

Chia sẻ về kế hoạch của mình, em Trần Nguyễn Thái An (học sinh lớp 11D3 Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy, quận Cầu Giấy) cho biết: "Phương án thi tốt nghiệp với 4 môn không làm ảnh hưởng đến dự định xét tuyển đại học của em. Dù tiếng Anh không còn là môn thi bắt buộc nhưng môn này có mặt ở khá nhiều tổ hợp xét tuyển đại học, giúp chúng em có nhiều cơ hội lựa chọn".

Liên quan đến việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp, trước băn khoăn của một số học sinh về việc có thể đăng ký thi nhiều hơn 2 môn lựa chọn được không, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Ngọc Hà lưu ý: Học sinh không được chọn quá 2 môn thi tự chọn. Hai môn này phải được chọn trong số các môn học mà học sinh được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.

Cần sớm thông tin phương án xét tuyển đại học

Phân tích sâu hơn về phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 tác động tới phương án xét tuyển đại học, lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học cho rằng, so với hiện nay, số lượng tổ hợp sẽ giảm. Tính sơ bộ, với phương án thi 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn sẽ tạo ra 36 tổ hợp môn. Tuy nhiên, học sinh cũng cần sớm có được thông tin chính thức về phương án xét tuyển của các cơ sở giáo dục đại học để chủ động chuẩn bị.

Nhà giáo nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sĩ Đàm, nguyên giảng viên cao cấp Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), Chủ biên chương trình môn tin học - Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhìn nhận, tổ hợp môn đánh giá năng lực tuyển sinh đại học hiện nay đang dựa trên tổ hợp môn thi tốt nghiệp hiện hành sẽ không còn phù hợp từ năm 2025. Việc xây dựng mới, điều chỉnh các tổ hợp môn tuyển sinh sẽ giúp các trường đại học có được nguồn “đầu vào” chất lượng.

Em Dương Yến Trang (học sinh lớp 11D5, Trường Trung học phổ thông Xuân Phương, quận Bắc Từ Liêm) đề xuất: "Em rất muốn biết sớm về phương án xét tuyển năm 2025 của các trường đại học. Cụ thể là các tổ hợp môn sẽ điều chỉnh ra sao, để giúp chúng em lựa chọn các môn học ở cấp trung học phổ thông phù hợp với nguyện vọng, dự định ngành nghề theo học sau khi tốt nghiệp".

Liên quan đến vấn đề nêu trên, ý kiến của một số hiệu trưởng trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội cho rằng, khi biết sớm cấu trúc mới, tổ hợp môn xét tuyển sinh của các trường đại học, các trường phổ thông sẽ có phương án xây dựng, điều chỉnh tổ hợp môn hợp lý hơn cho học sinh lựa chọn; đồng thời có sự chuẩn bị kỹ hơn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để đáp ứng yêu cầu dạy học.

Điều này vừa đáp ứng nguyện vọng của học sinh, vừa phù hợp với chủ trương “học gì thi nấy” của ngành Giáo dục, giảm những áp lực không đáng có cho học sinh trong học tập, thi cử.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top