Giáo dụcKhoa học

Mạnh tay xử lý với các đơn vị có hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ

00:00 - Thứ Năm, 21/04/2016 Lượt xem: 2100 In bài viết
Phó Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Văn Minh cho biết, từ năm 2006 đến năm 2015 đã tiến hành thanh tra đột xuất 541 doanh nghiệp trên cả nước, có 27.602 máy tính được kiểm tra đã phát hiện hành vi sao chép tác phẩm phần mềm máy tính mà không được phép của chủ sở hữu. Thanh tra Bộ đã lập biên bản vi phạm hành chính và ban hành 499 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước là 8.613.000.000 đồng.

Hiện nay, quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT), đã trở thành một bộ phận, thành tố quan trọng, quyết định sự thành bại trong hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Bởi lẽ, quyền SHTT không chỉ là tài sản vô hình được tạo dựng, tích lũy liên tục, không giới hạn bởi không gian, thời gian của doanh nghiệp mà nó còn là công cụ pháp lý để bảo vệ, giúp cho doanh nghiệp khởi sự việc kinh doanh trên thị trường toàn cầu và trên cả môi trường kinh doanh trực tiếp và môi trường thương mại điện tử (môi trường kỹ thuật số). Vai trò của việc bảo hộ và thực thi quyền SHTT không thể thiếu đối với các doanh nghiệp ở tầm vi mô và đối với quốc gia ở tầm vĩ mô.

Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Minh Dũng.

Vừa qua, nhờ hoạt động công tác thanh kiểm tra của các Bộ, ngành, ý thức chấp hành của các doanh nghiệp ngày càng tăng lên. Các doanh nghiệp, tổ chức có các hành vi vi phạm tự giác gỡ bỏ chương trình phần mềm ra khỏi máy tính, chủ động làm việc với chủ sở hữu để giải quyết trách nhiệm dân sự của mình, chấp hành nghiêm các quyết định xử lý vi phạm; bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu; chủ động tìm đến đại lý, đại diện chủ sở hữu mua các chương trình phần mềm hợp pháp để phục vụ hoạt động của mình. Nhờ đó, theo đánh giá của Liên minh Phần mềm BSA, năm 2004, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính tại Việt Nam là 92%, đến năm 2014 còn 81%.

Ngoài ra, bên cạnh việc vi phạm pháp luật, việc sử dụng phần mềm không bản quyền cũng dẫn đến những hậu quả khó lường về nguy cơ mất an toàn an ninh thông tin và đây là điều doanh nghiệp cần phải tính tới để bảo đảm bí mật kinh doanh, tránh những thiệt hại do hacker gây ra.

Theo ông Trần Văn Minh, một lĩnh vực mà Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đặc biệt quan tâm là bảo hộ quyền SHTT, trong đó là thực thi quyền SHTT được đặc biệt chú trọng, trong đó có có nội dung: kéo dài thời hạn bảo hộ quyền tác giả lên là 70 năm và thực thi quyền bao gồm cả khả năng bị truy tố hình sự. Điều này đặt ra những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt hơn các điều luật về SHTT. Trong lĩnh vực phần mềm máy tính, trong những năm gần đây, mặc dù đã có nhiều cải thiện đáng kể, nhưng tình trạng xâm phạm bản quyền phần mềm máy tính vẫn còn tương đối phổ biến. Vì vậy, đối với cộng đồng doanh nghiệp cần quan tâm hơn tới vấn đề SHTT, có những bước chuẩn bị về tài chính, về nhân lực và về kỹ thuật để khi hội nhập TPP, tránh được các rắc rối khiếu kiện có thể xảy ra.

Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Minh Dũng cũng cho biết, một lĩnh vực mà TPP đặc biệt quan tâm là bảo hộ quyền SHTT, được nhận định là một thành tố quan trọng quyết định thành bại trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chính phủ Việt Nam cùng toàn bộ hệ thống đăng ký bảo hộ và thực thi quyền SHTT đang hoàn thiện và nâng cao hơn nữa tính hiệu quả của hoạt động bảo hộ và thực thi quyền SHTT. Tuy đạt được thành tựu nhất định, nhưng việc xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT hiện nay vẫn còn gặp nhiều thách thức. Do đó, các cơ quan, doanh nghiệp tại hoạt động kinh doanh Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh chống các hành vi này để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp.

Nhận định từ nhiều chuyên gia cho rằng, trong nhiều năm qua, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính tại Việt Nam đã có nhiều cải thiện, nhưng cũng còn rất cao. Khi vào TPP, với sức ép phải tuân thủ nghiêm ngặt hơn về sở hữu trí tuệ sẽ tạo ra một sức ép lớn cho các doanh nghiệp, buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ khi đã bước vào một sân chơi kinh tế tự do lớn nhất thế giới. Do đó, các doanh nghiệp, nếu không tuân thủ, sẽ gặp rắc rối về vấn đề pháp lý và các sự cố liên quan tới an ninh mạng.

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top