Anh Bùi Quang Điện làm giàu nhờ mô hình nuôi thỏ “3 sạch”

09:32 - Thứ Tư, 07/06/2017 Lượt xem: 9682 In bài viết
ĐBP - Xây dựng mô hình nuôi thỏ theo hình thức “3 sạch” (chuồng sạch - vật nuôi sạch - thức ăn sạch) được hơn 2 năm, gia đình anh Bùi Quang Điện, đội 13, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên đã cung cấp ra thị trường nhiều lứa thỏ thịt thơm, ngon và được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay, do nhu cầu thị trường ngày càng tăng, mô hình nuôi thỏ “3 sạch” không chỉ giúp gia đình anh Điện phát triển kinh tế, mà còn hứa hẹn làm giàu với quy mô lớn.

Trao đổi với chúng tôi, anh Điện cho biết: “Cách đây 2 năm, tôi được đi học tập, nghiên cứu mô hình nuôi thỏ “3 sạch” tại tỉnh Thái Bình. Sau đó, tôi vay vốn đầu tư làm chuồng nuôi, với diện tích 300m2; mua 20 đôi thỏ giống sinh sản New Zealand về nuôi theo mô hình này”.

 

Anh Bùi Quang Điện, đội 13, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên chăm sóc thỏ.

Theo anh Điện, mô hình nuôi thỏ “3 sạch” đã được khá nhiều nông dân ở các tỉnh khác triển khai và cho hiệu quả cao. Do đó, anh Điện làm chuồng nuôi trên khoảng đất cao, xa nhà ở của gia đình, có chỗ thoát nước và xử lý phân riêng; trong chuồng nuôi ngăn thành nhiều ô, được đặt cao ráo, cách mặt đất 0,5m nên dễ dàng dọn vệ sinh.

Do giống thỏ New Zealand sinh sản khá nhanh, một năm đẻ 7 lứa, mỗi lứa đẻ từ 6 -7 con, nên số lượng đàn thỏ của gia đình anh Điện tăng khá nhanh, sau 1 năm đã có 400 con. Các loại thỏ bố, mẹ, thỏ con và thỏ đã tách đàn được anh Điện nhốt trong các ô riêng, theo dõi sức khỏe và vệ sinh hàng ngày để đảm bảo cho thỏ luôn sạch sẽ.

Được biết, trước đây do chưa có kinh nghiệm nuôi nên các lứa thỏ ban đầu của anh Điện bị bệnh ghẻ, tiêu chảy lây nhau và chết khá nhiều. Tuy nhiên, anh Điện không nản chí, anh nghiên cứu lại hệ thống chuồng nuôi và tách các ô nuôi riêng để thỏ ốm không lây bệnh cho thỏ khác. Đồng thời, anh thuê thêm 1 lao động, hàng ngày quét dọn chuồng nuôi, chăm sóc đàn thỏ và cho thỏ ăn 3 bữa/ngày.

Giống thỏ New Zealand ăn khá đa dạng, chủ yếu là lá cây họ đậu (đậu xanh, lạc, đậu tương...), lá rau (rau muống, rau cải, rau khoai lang...) và các loại củ (bí đỏ, cà rốt, khoai, sắn...), nên anh đã dành 500m2 đất nông nghiệp của gia đình để trồng các loại cây trên, nhằm cung cấp thức ăn sạch cho thỏ nuôi của gia đình.

Hiện nay, do được chăm sóc tốt, thỏ của gia đình anh sinh trưởng rất nhanh, khoảng 2 tháng đã đạt trên 2kg/con và có thể xuất chuồng. Với giá bán thỏ thịt từ 80 - 90 nghìn đồng/kg, trung bình mỗi lứa xuất chuồng bán cho thương lái, anh Điện thu lãi từ 25 - 30 triệu đồng.

Thịt thỏ của gia đình anh Điện được đánh giá là thơm, ngon và chắc thịt nên khá nhiều người ưa chuộng và người đặt mua ngày một đông. “Hiện nay, do nhu cầu thị trường ngày càng tăng nên tôi đang mở rộng hệ thống chuồng nuôi, thuê thêm lao động và phát triển thêm đàn thỏ, dự kiến khoảng 2.000 con” - anh Điện cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Quàng Văn Pâng, Chủ tịch UBND xã Thanh Luông chia sẻ: “Mô hình nuôi thỏ “3 sạch” của gia đình anh Điện là mô hình đầu tiên trong xã Thanh Luông. Hiện nay, chính quyền xã đã đưa nhiều nông dân tới học tập, nghiên cứu mô hình này để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ chịu khó nghiên cứu đầu tư, mô hình nuôi thỏ “3 sạch” đã giúp gia đình anh Điện cải thiện cuộc sống, phát triển kinh tế, trả được nợ; bên cạnh đó, còn hứa hẹn làm giàu với quy mô lớn hơn”.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top