Tập trung chăm sóc, chống rét cho lúa đông xuân

09:43 - Thứ Hai, 05/02/2018 Lượt xem: 10480 In bài viết
ĐBP - Hiện nay, toàn tỉnh cơ bản gieo cấy xong 100% diện tích lúa đông xuân 2017 - 2018. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, rét đậm rét hại ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn nông dân chủ động các phương án chăm sóc và chống rét cho lúa.

ĐBP - Ông Trịnh Quốc Cường, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Vụ đông xuân năm 2017 - 2018, ngành Nông nghiệp đã làm tốt công tác dự báo, đề ra khung lịch thời vụ phù hợp với đặc điểm khí hậu từng tiểu vùng trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, 100% các địa phương gieo cấy không gặp phải hiện tượng thời tiết bất lợi, rét đậm rét hại. Ðến nay, lúa trà sớm đang ở giai đoạn 5 - 6 lá, bắt đầu đẻ nhánh; trà chính vụ trong giai đoạn 3 - 4 lá, trà muộn trong giai đoạn mũi chông. Từ đầu tháng 1 đến nay, do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ xuống thấp kèm theo sương mù vào buổi sáng khiến các trà lúa gieo cấy sớm sinh trưởng, phát triển chậm hơn. Vì vậy, chính quyền địa phương và nông dân phải thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, chủ động các phương án chống rét, tập trung chăm sóc lúa. Ðồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các phương án dự phòng để tiến hành gieo cấy lại khi có thiệt hại xảy ra do thời tiết bất lợi.

 

Nông dân xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) tỉa giặm lúa đông xuân.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương và nông dân cách chăm sóc, chống rét cho cây lúa. Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, người dân nên dẫn và giữ mực nước ngập 2/3 chiều cao của cây lúa vào 16 - 17 giờ hàng ngày và giữ mực nước cho đến 8 - 9 giờ sáng ngày hôm sau thì tháo cạn phơi mặt ruộng. Tuy nhiên biện pháp này chỉ áp dụng trong những ngày có nắng, không áp dụng trong những ngày rét đậm, rét hại, trời âm u, không nắng. Còn đối với những diện tích gieo xong gặp rét, cần tăng cường sức đề kháng và giữ ấm cho lúa bằng cách dùng tro bếp hoặc phân chuồng hoai mục trộn với phân vô cơ như lân, kali bón đều trên mặt ruộng. Sau khi lúa gieo vãi được 3 - 4 lá tiến hành tỉa giặm, với khoảng cách 10 - 12cm hoặc mật độ từ 70 - 100 khóm/m2 (đối với các giống lúa thuần); 13 - 15cm hoặc 45 - 55 khóm/m2 đối với các giống lúa lai. Khi nhiệt độ dưới 15oC thì ngừng tỉa giặm, không bón thúc đạm cho lúa. Ðối với diện tích lúa trà cực sớm, nông dân cần tích cực thăm đồng để phát hiện kịp thời những diễn biến bất thường của sâu bệnh gây hại, thông báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp theo dõi, xử lý. Hiện nay, còn 4 xã: Nà Nhạn, Nà Tấu, Mường Phăng, Pá Khoang và một số xã vùng cao ở các huyện bắt đầu gieo cấy lúa đông xuân cần chú ý đến điều kiện thời tiết để điều chỉnh lịch gieo cấy. Nếu trong vài ngày tới, nhiệt độ tiếp tục giảm sâu thì bà con tạm dừng việc gieo cấy, đợi khi thời tiết ấm lên mới tiếp tục gieo để tránh tình trạng lúa chết rét, phải gieo cấy lại. Nếu thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài thì phải gieo mạ sân, phủ ni lông giữ ấm và cấy thẳng.

Vụ đông xuân năm 2017 - 2018, huyện Tuần Giáo sản xuất 975ha lúa và cũng là huyện tổ chức gieo cấy sớm nhất tỉnh. Hiện nay, cây lúa đang ở giai đoạn 5 - 6 lá, bắt đầu đẻ nhánh, người dân đang tập trung tỉa giặm. Bà Phạm Thị Tuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: Ðể chủ động chống rét cho cây lúa, Phòng đã chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn người dân tận dụng nguồn phân hữu cơ tại chỗ đã ủ hoai mục rắc đều trên mặt ruộng giữ ấm và tăng cường chất dinh dưỡng cho cây lúa. Ðồng thời, áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch hại theo chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM, “3 giảm 3 tăng”. Khi dùng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng lúc, đúng thuốc, đúng cách, đúng nồng độ và liều lượng) theo hướng dẫn của Trạm Bảo vệ thực vật và Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư. Ðến thời điểm hiện tại, các trà lúa đông xuân của huyện Tuần Giáo đang sinh trưởng tốt. Trước điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, huyện sẽ tiếp tục theo dõi sát sao, chủ động các phương án chăm sóc, chống rét, hạn chế thiệt hại cho lúa đông xuân.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Ðiện Biên lúa đông xuân đang ở giai đoạn 3 - 4 lá. Thời tiết rét đậm, rét hại ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Từ đầu tháng 1 đến nay, huyện đã 2 lần thành lập đoàn công tác kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh các xã chưa quan tâm đến công tác phòng chống rét cho cây trồng, nhất là lúa đông xuân. Do đó, hiện nay nông dân huyện Ðiện Biên cơ bản tuân thủ tốt quy trình kỹ thuật về sản xuất, chăm sóc và phòng trị bệnh cho cây lúa, nhất là trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top