Tư duy mới của nông dân Tủa Chùa

07:48 - Chủ Nhật, 02/01/2022 Lượt xem: 5448 In bài viết

ĐBP - Với nhiều tiềm năng về nông sản đặc trưng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước để phát triển nông lâm nghiệp, thủy sản, nhưng những năm trước đây, huyện Tủa Chùa gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp nói chung, phát triển nông sản đặc hữu nói riêng do những đặc điểm về tiêu thụ, tạo dựng thương hiệu, giao thông, vận chuyển hàng hóa... Tuy nhiên, thời gian gần đây, từ chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, với sự phát triển của các mô hình liên kết, sự chủ động, tư duy mới của chủ thể, người dân, nông sản vùng “cao nguyên đá” đang dần được tạo dựng.

Anh Tẩn A Nó thu hoạch cá.

“Tay chơi” nông nghiệp

“Nhà mình trồng nhiều loại cây lắm” - đó là chia sẻ ngắn gọn của ông Thào A Tinh, 60 tuổi, người uy tín bản Phô, xã Trung Thu (huyện Tủa Chùa) khi được hỏi về mô hình nông nghiệp của gia đình. Quả thật, bước ra khu vườn nằm nghiêng nghiêng bên vạt núi của ông, chúng tôi rất bất ngờ với hàng loạt cây ăn quả, rau màu, cây lấy gỗ... Điểm sơ sơ cũng 9 - 10 loài như: Cam, chanh đào, chanh leo, đu đủ, mía, su su, dâu tây, sa mộc, sơn tra... Một góc vườn khoảng 300m2 được ông Tinh trồng tam giác mạch. Giữa đông, hoa tam giác mạch đã bung nở trắng muốt, tô điểm cho sự sinh động của khu vườn. Rồi đến cả một loại rau vốn có nguồn gốc từ châu Âu, Bắc Phi là măng tây cũng được ông Tinh gieo trồng trong “vườn bách thảo” của mình. Ông Thào A Tinh cho biết: Tôi tập trung vào một số cây trồng như su su (1.000m2), chanh leo (5.000m2), dâu tây (2.000m2), măng tây thì mới thí điểm nên hiện chỉ trồng khoảng 500m2. Ngoài ra, gia đình còn nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ 7ha rừng; trồng, chăm sóc 0,9ha rừng sa mộc. Đồng thời, như một lẽ đương nhiên, vườn rộng, rừng đi “mấy con dao quăng” thì không thể thiếu chăn nuôi. Gia đình ông Tinh nuôi 15 con lợn, 4 con trâu, đàn gia cầm hàng trăm con.

Đặt câu hỏi: Bác trồng nhiều cây thế có “loãng”, thiếu tập trung cho cây chủ lực không? Ông Tinh cười bảo: Trong cuộc sống, mỗi người có một niềm đam mê. Tôi thì chỉ thích trồng cây hay gọi là mê cây cũng được. Cái sự đam mê ấy được truyền từ tôi sang đời con. Và như anh đã biết, Thào A Vừ, con trai tôi học về nông nghiệp, đang làm cán bộ khuyến nông xã Trung Thu. Còn về việc anh hỏi, ý là tôi đầu tư dàn trải, manh mún phải không? Không hẳn như vậy đâu, nếu anh để ý thì cơ bản những cây tôi trồng với diện tích lớn (su su, măng tây, dâu tây...) đều là giống thích hợp với khí hậu mát mẻ ở Trung Thu này. Dù không lạnh hẳn như Sa Pa, Tam Đảo, Đà Lạt - những “vựa” su su, dâu tây, măng tây ở Việt Nam nhưng cũng khá tương đồng. Vậy là đã có sự chọn lọc đúng không? Vì tôi đã cất công đi thăm, hỏi, học ở những nơi ấy rồi đấy! Còn những loại cây ăn quả, cây lấy gỗ, rau củ khác thì như tôi đã nói, “đam mê trồng cây” mà.

Rồi như đoán được tôi sẽ tiếp tục hỏi về điều gì, lão nông “tay chơi” nông nghiệp Thào A Tinh nói ngay: Nguồn lực đầu tư thì thực tế không quá lớn, đồng thời có sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp, các cơ quan chuyên môn từ tỉnh, huyện, xã và đơn vị liên kết với chúng tôi là Hợp tác xã H’Mông. Chanh leo, su su, dâu tây sau khi được cung ứng giống thì tôi chăm sóc, cây hợp thổ nhưỡng nên ra quả, tiêu thụ được, cho thu nhập nên quay vòng đầu tư tiếp. Ngoài ra, dù chưa thể gọi là giàu có nhưng với gần chục héc ta rừng nhận khoanh nuôi, bảo vệ, đàn gia súc gia cầm ổn định, thu nhập hàng năm đủ để gia đình tôi đảm bảo cuộc sống và cá nhân tôi tiếp tục “nuôi” sở thích của mình.

Chia sẻ một hồi, ông Thào A Tinh sải cánh tay, hướng về phía cánh rừng trồng sa mộc, rừng nguyên sinh phía sau nhà, nói như một sự đúc kết: Quan trọng nhất vẫn là cái này anh ạ! Phải giữ được rừng, trồng được thêm rừng thì mới giữ được khí hậu, nguồn nước trong lành ổn định. Sở thích là một chuyện, tôi già rồi nên luôn xác định trồng cây là để cho đời sau...

Cứ nuôi, trồng đi. Không ế đâu!

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa, các mô hình đã đem lại hiệu quả trong công tác thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn. Hiện huyện đã giải ngân 3,345/3,357 tỷ đồng, đạt 100% vốn giao. Triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện đã hỗ trợ xây dựng phát triển sản phẩm OCOP, với 5 dòng sản phẩm đã được công nhận thuộc nhóm chè, khoai sọ tím. Vừa qua, Tủa Chùa có thêm sản phẩm gạo vai gãy đã được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh lựa chọn và đang hoàn thiện các thủ tục để sớm được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh 2021.

Nắm bắt cơ hội, các tổ chức, đoàn thể, hợp tác xã và các chủ thể đều có những bước triển khai các mô hình sản xuất. Cụ thể, tại xã Trung Thu, Hợp tác xã H’Mông liên kết, nhận bao tiêu nông sản với hàng chục hộ trên địa bàn và các xã lân cận. Theo đánh giá của người dân, sản phẩm tiêu thụ khá tốt, giá cả tương đối ổn định. Sự liên kết chặt chẽ giữa “3 nhà” đã dần tạo dựng được thương hiệu nông sản địa phương. Tương tự, sản phẩm chè cây cao Tủa Chùa cũng đang tạo dựng được bước đi khá ổn định với 4 dòng sản phẩm được công nhận OCOP. Hướng về tương lai, theo chia sẻ của đại diện Công ty TNHH Hương Linh - doanh nghiệp chuyên về chè tại huyện Tủa Chùa: Sắp tới, cùng với việc phát triển các dòng sản phẩm từ chè cây cao, đơn vị sẽ phối hợp với ngành chuyên môn trồng mới 25.000 cây chè giống cây cao thuần chủng Sín Chải theo tiêu chuẩn hữu cơ (chia làm 3 giai đoạn). Ngoài ra, vừa qua, huyện Tủa Chùa đã thành lập Đoàn khảo sát, tiến hành lựa chọn 100 cây chè cổ thụ ở xã Sín Chải để lập hồ sơ đề nghị công nhận quần thể cây chè di sản. Đây là động thái vừa nhằm bảo vệ nguồn gen quý vừa phát triển thương hiệu cho chè cây cao Tủa Chùa.

Còn trên vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La, người dân các xã: Tủa Thàng, Huổi Só đã triển khai nuôi cá lồng với quy mô vừa. Anh Tẩn A Nó, thôn 2, xã Huổi Só - đại diện hộ nuôi cá lồng trên lòng hồ Thủy điện Sơn La, khu vực bến Huổi Só cho biết: Nhận thấy việc đánh bắt cá tự nhiên trong lòng hồ trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là một số người dân đánh bắt kiểu tận diệt bằng điện nên cá không kịp sinh sôi. Vì vậy năm 2018, tôi đã quyết định vay vốn đầu tư nuôi cá lồng trên lòng hồ với giống chủ yếu là chép, trắm. Như các anh thấy, nước trong hồ rất sạch, nguy cơ dịch bệnh được giảm thiểu, cá nuôi chủ yếu bằng thức ăn hữu cơ nên dù lớn không nhanh nhưng chất lượng cao. Việc tiêu thụ cũng khá thuận lợi bởi ngoài phân phối cho người dân trong vùng, vì là khu vực bến nên thương lái theo tàu lớn từ các tỉnh Sơn La, Phú Thọ cũng thường xuyên đến thu mua. “Thực tế nuôi trồng nông - lâm - thủy sản ở Tủa Chùa không ế được đâu! Quan trọng là mình phải giữ được uy tín, chất lượng và phải đặt quyết tâm hướng tới phát triển thành thương hiệu giá trị cao” - anh Tẩn A Nó khẳng định.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top