Hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi

08:32 - Thứ Tư, 05/01/2022 Lượt xem: 2467 In bài viết

ĐBP - Với diện tích đất tự nhiên rộng lớn, nhiều đồi, rừng, nguồn cỏ tự nhiên, mật độ dân cư thấp, nguồn lực lao động nông thôn dồi dào, tỉnh ta có nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại. Đây là hướng đi không chỉ mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho người chăn nuôi mà còn góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Một mô hình nuôi nhốt bò tập trung của người dân huyện Điện Biên Đông.

Để chăn nuôi chuyển dịch từ nhỏ lẻ, phân tán sang tập trung theo hướng trang trại, gia trại, tỉnh đã tích cực vận động, khuyến khích người dân trồng cỏ, thức ăn xanh; hỗ trợ về kỹ thuật, đào tạo tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ; hỗ trợ con giống; xây dựng mô hình liên kết sản xuất giữa các trang trại, hợp tác xã; tạo điều kiện để người dân tiếp cận với nguồn vốn đầu tư phát triển chăn nuôi góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Nhằm đảm bảo an toàn chuồng trại và nguồn thức ăn trong phát triển chăn nuôi tập trung, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân tận dụng những diện tích đất nhỏ lẻ, bỏ hoang, chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ phát triển chăn nuôi. Qua đó vừa tạo nguồn thức ăn dồi dào vừa kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên vật nuôi. Đến nay, toàn tỉnh có 39 trang trại chăn nuôi; trong đó có 15 trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô từ 1.500 - 4.000 con; 4 trang trại chăn nuôi lợn với quy mô từ 100 - 3.000 con; 20 trang trại chăn nuôi trâu, bò, dê với quy mô từ 50 - 140 con. Các trang trại chăn nuôi tập trung chủ yếu ở các huyện: Điện Biên Đông, Mường Chà, Điện Biên, Tuần Giáo.

Điển hình là huyện Điện Biên Đông, thời gian qua thực hiện Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về việc phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê đã triển khai nhiều mô hình, dự án phát triển chăn nuôi. Cụ thể, đã có 115 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và 15 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo về chăn nuôi với tổng số 3.083 con gia súc được hỗ trợ (gồm 2.794 con bò và 289 con trâu) cho gần 3.800 hộ gia đình thụ hưởng. Người chăn nuôi còn được hỗ trợ trồng cỏ, con giống, hỗ trợ xây dựng chuồng trại, vắc xin tiêm phòng cho vật nuôi. Nhờ đó, hạn chế được tình trạng chăn nuôi thả rông, nhỏ lẻ và dần hình thành các trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung; đàn trâu, bò của huyện tăng cả về số lượng và chất lượng, tốc độ tăng trưởng ổn định. Hiện nay toàn huyện có 17.964 con trâu, 33.5963 con bò, gần 31.000 con lợn và 13.107 con dê; tổng đàn gia cầm đạt 244.200 con. Trên địa bàn đã xuất hiện nhiều hộ gia đình chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Ông Lò Văn Tính (xã Phì Nhừ), Lò Văn An (xã Luân Giói), Giàng Văn Minh (xã Keo Lôm)…

Mặc dù bước đầu đã đạt những kết quả tích cực, song phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn do thực trạng chăn nuôi phân tán, quy mô nhỏ lẻ, nông hộ chiếm tỷ lệ cao (90%). Trong khi đó, người dân đã quen với phương thức chăn thả tự do nên việc thay đổi nhận thức cần nhiều thời gian; việc xây dựng các chuỗi liên kết trong chăn nuôi gia súc gắn với tiêu thụ sản phẩm cong hạn chế. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đẩy mạnh rà soát, bổ sung, điều chỉnh những vùng có lợi thế phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa; tập trung tuyên truyền vận động người dân trồng cỏ, tạo nguồn thức ăn dồi dào cho gia súc; hỗ trợ khoa học kỹ thuật; tạo điều kiện vay vốn ưu đãi; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm chăn nuôi.

Bài, ảnh: Đức Kiên
Bình luận
Back To Top