Ngành ngân hàng tập trung các giải pháp tăng trưởng tín dụng

08:06 - Thứ Sáu, 07/01/2022 Lượt xem: 5026 In bài viết

ĐBP - Năm 2021, với nhiều giải pháp đồng bộ, có hiệu quả, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo tăng trưởng nguồn vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng, đảm bảo an toàn thanh khoản, đồng thời tích cực hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Khách hàng giao dịch tại hội sở Agribank chi nhánh tỉnh Điện Biên.

Ông Hà Văn Từ, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Điện Biên cho biết: Để thực hiện tốt đồng thời cả 2 mục tiêu: Vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo hoạt động ngân hàng trên địa bàn được ổn định, thông suốt, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Điện Biên đã chủ động, quyết liệt chỉ đạo các TCTD tập trung các giải pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: tín dụng đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán; tập trung phân loại khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và đánh giá khả năng trả nợ để đảm bảo hỗ trợ phù hợp; bố trí nguồn vốn cần thiết để phát triển các sản phẩm cho vay phục vụ đời sống, phục hồi sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân. Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát các TCTD về việc chấp hành các quy định của pháp luật và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về lãi suất huy động, cho vay và phí dịch vụ. Đồng thời, yêu cầu các TCTD tăng cường nguồn lực cho xử lý nợ xấu, làm tốt công tác rà soát, xử lý, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, phù hợp theo quy định của pháp luật. Đến thời điểm 31/12/2021, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn ước đạt 13.600 tỷ đồng, tăng 11,38% so với năm 2020; tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,07%/tổng dư nợ.

Các TCTD trên địa bàn tỉnh đã tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin, đảm bảo có sự đồng thuận cao trong triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, đặc biệt là giữ nguyên nhóm nợ khi thực hiện cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi cho khách hàng. Tính đến 30/11/2021, tổng dư nợ lũy kế đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 494 tỷ đồng/189 khách hàng, dư nợ hiện hữu đang được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 160 tỷ đồng/48 khách hàng. Tổng dư nợ lũy kế đã được miễn giảm lãi vay là là 535 tỷ đồng/198 khách hàng; số tiền lãi được miễn giảm lũy kế là 1,56 tỷ đồng; dư nợ được miễn giảm lãi vay là 484 tỷ đồng/174 khách hàng. Doanh số cho vay mới để hỗ trợ khách hàng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngân hàng thương mại tính từ ngày 23/1/2020 là 6.726 tỷ đồng. Dư nợ cho vay hiện hữu tính tại thời điểm báo cáo là 2.854 tỷ đồng/1.336 khách hàng.

Năm 2021, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh tỉnh Điện Biên đã tập trung các giải pháp duy trì tăng trưởng tín dụng. Trong đó phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng gắn với việc rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, tiếp tục triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất cho các đối tượng khách hàng mục tiêu: Khách hàng lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng FDI, xuất nhập khẩu, cá nhân vay tiêu dùng tại khu vực đô thị... Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cũng như hỗ trợ khách hàng khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, Agribank Điện Biên đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; cho vay mới với lãi suất ưu đãi; hạ lãi suất cho vay hiện hữu; miễn giảm phí dịch vụ... Cụ thể, chi nhánh đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ đối với 16.377 khách hàng. Trong đó: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ 243 tỷ đồng với 145 khách hàng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 0,5-2,5% cho 1.066 khách hàng là doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh với số tiền 6.647 tỷ đồng để khôi phục và phát triển kinh doanh. Từ ngày 15/7/2021, tiếp tục thực hiện hạ 10% lãi suất cho vay hiện hữu đối với 15.166 khách hàng với dư nợ được giảm lãi suất là 4.729 tỷ đồng. Đồng thời chi nhánh đã thực hiện miễn giảm 100% phí chuyển tiền trong hệ thống Agribank trên tất cả các kênh thanh toán, ước tính trên 4,5 tỷ đồng. Qua đó góp phần hỗ trợ cho hơn 100.000 khách hàng đang sử dụng dịch vụ thanh toán của Agribank trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như thúc đẩy phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn.

Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu huy động vốn tại địa phương tăng trưởng 8%; tổng dư nợ tín dụng đầu tư vào các ngành, các thành phần kinh tế trong tỉnh tăng trưởng từ 5% trở lên so với năm 2021. Hiện nay các TCTD đã chủ động xây dựng các kịch bản kinh doanh phù hợp, tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp cốt lõi nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, chú trọng tăng trưởng tín dụng theo hướng tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên... Phấn đấu thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch Covid-19 vừa đảm bảo hoạt động kinh doanh, góp phần hỗ trợ phục hồi nền kinh tế trong điều kiện bình thường mới.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top