Khi người trẻ tham gia hợp tác xã

14:18 - Thứ Năm, 14/04/2022 Lượt xem: 4363 In bài viết

ĐBP - Đã qua thời hợp tác xã (HTX) chỉ dành cho những người nông dân có tuổi. Sau khi triển khai Luật HTX năm 2012, nhiều HTX trong tỉnh đã có những bước chuyển đáng kể cả về chất và lượng. Sự tham gia của đội ngũ nhân lực trẻ tuổi, có trình độ, năng lực đã và đang thổi “luồng gió mới”, góp phần “trẻ hóa” HTX trên địa bàn theo đúng tinh thần đổi mới, sáng tạo và hiệu quả.

Du khách trải nghiệm dịch vụ hái dâu tại vườn của HTX Dâu tây Mường Phăng.

"Luồng gió" mới cho hợp tác xã

Tháng 2/2022, Hợp tác xã Dâu tây Mường Phăng (xã Phường Phăng, TP. Điện Biên Phủ) được thành lập với 8 thành viên. Giám đốc Hợp tác xã là chàng thanh niên trẻ Hoàng Văn Dán, sinh năm 1990. Được biết, trước khi thành lập HTX, cá nhân Dán đã tự bỏ công, bỏ vốn trồng thử nghiệm gần 2.000m2 giống dâu tây Hana hữu cơ. Đất không phụ công người, vụ đầu tiên dâu tây đã cho quả ngọt, chất lượng. Với giá bán trung bình từ 80 – 160 nghìn đồng/kg đã cho Dán thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Từ sự thành công bước đầu, để hình thành vùng cung ứng hàng hóa ổn định, bền vững, tháng 2/2022, Dán đã cùng 7 thành viên khác chủ yếu là những thanh niên thế hệ 9x thành lập HTX dâu tây Mường Phăng, với diện tích trồng dâu tây được mở rộng lên 1,4ha. Hoàng Văn Dán chia sẻ: Trồng cây dâu tây Hana hữu cơ chi phí ban đầu cao nhưng bù lại, cây cho nguồn thu nhập đa dạng. Bắt đầu từ tháng 11, chúng tôi bán cây dâu tây làm cảnh, từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau thì bán quả, triển khai dịch vụ trải nghiệm hái dâu tại vườn cho du khách. Sản phẩm quả sau khi thu hái được đóng gói và đưa đi tiêu thụ ở siêu thị, cửa hàng hoa quả tại TP. Điện Biên Phủ. Thời gian từ tháng 5 đến tháng 10 có thể bán cây làm giống.

Không riêng HTX Dâu tây Mường Phăng, theo thống kê của Liên Minh HTX tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 8 HTX được thành lập mới, trong đó 3 HTX có đội ngũ quản lý là những người trẻ từ 35 tuổi trở lại. Hầu hết các HTX có đa số thành viên, nhất là những thành viên chủ chốt đều thuộc thế hệ 8x, 9x. Với tư duy mới, kiến thức mới, cách làm mới, họ chính là những “nhân tố mới” trong phát triển HTX khi dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư vào sản xuất, khai thác thế mạnh địa phương để hình thành và phát triển những mặt hàng nông sản mới lạ, riêng biệt.

Tháng 3 vừa qua, HTX Gai xanh Mường Nhé (huyện Mường Nhé) được thành lập gồm 8 thành viên, trong đó chủ yếu là các thanh niên trẻ 8x, 9x. Là một trong những thành viên chủ chốt của HTX, theo anh Trịnh Xuân Phượng (sinh năm 1987), khi ý tưởng thành lập một hợp tác xã chuyên trồng cây gai xanh được manh nha hình thành, anh Phượng đã kết nối với một số thanh niên trong huyện tìm kiếm sự hưởng ứng. Rất may, khi hầu hết đoàn viên, thanh niên đang loay hoay với câu hỏi làm gì để bám quê, đều đồng tình, sẵn sàng cùng anh Phượng “chung lưng đấu cật”. Không còn lối tư duy kiểu cũ là trông chờ chính sách hỗ trợ, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, 8 thành viên cùng nhau góp vốn, chủ động xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế và định hướng phát triển lâu dài.

Anh Trịnh Xuân Phượng chia sẻ: Ngoài 8ha gai xanh của HTX, tháng 5 tới đây, đơn vị còn liên kết với một số hộ dân mở rộng diện tích trồng gai xanh lên khoảng 25ha. Mặc dù đây là giống cây trồng khá mới ở địa phương, song từ việc tìm hiểu kỹ về đặc tính, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cũng như thị trường đầu ra cho sản phẩm, tôi tin rằng việc lựa chọn trồng loại cây này là con đường dài mà tất cả các thành viên đã tính toán kỹ lưỡng, để việc thành lập HTX không phải chạy theo “xu thế”, mà có thể tồn tại và phát triển mạnh về lâu dài.  

Toàn tỉnh hiện nay có hơn 800 cán bộ quản lý HTX, trong đó, qua thống kê có 320 cán bộ dưới 35 tuổi. Bà Đỗ Thị Thúy Hà, Trưởng phòng Tư vấn - Hỗ trợ kinh tế tập thể, Liên minh Hợp tác xã tỉnh cho biết: Việc ngày càng có nhiều người trẻ tham gia phát triển HTX là một tín hiệu tốt đối với hoạt động kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh. Ưu điểm của những người trẻ là khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng sức mạnh của cuộc cách mạng 4.0 phục vụ cho hoạt động của mình. Đến thời điểm này, có thể kể đến sự thành công của nhiều hợp tác xã trẻ, như: Hợp tác xã Thương mại tổng hợp Tìa Dình (huyện Điện Biên Đông); Hợp tác xã chăn nuôi Mường Mùn (huyện Tuần Giáo)…

Người lao động tại HTX Gai xanh Mường Nhé trồng cây gai xanh.

Cần thêm cơ chế, chính sách phù hợp

Đại hội Liên minh HTX tỉnh lần thứ V, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra mục tiêu phấn đấu thành lập mới bình quân mỗi năm 22 HTX trở lên; doanh thu bình quân đạt gần 1,8 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân của các thành viên và người lao động đạt 58 triệu đồng/người/năm… Để đạt được mục tiêu trên, ngoài xây dựng được các phương án hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả thì việc thu hút, tạo điều kiện để người trẻ tham gia phát triển HTX là một trong những giải pháp cần được quan tâm hơn bao giờ hết.

Giai đoạn 2018 - 2020, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số lượng cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn từ trung cấp đến đại học tại các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 19,5%, còn lại là chưa qua đào tạo. Nhằm thu hút cán bộ trẻ có trình độ về làm việc cho hợp tác xã nông nghiệp theo hướng dẫn tại Thông tư số 340/TT-BTC, tỉnh đã thí điểm đưa 4 trí thức trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại 4 HTX nông nghiệp với kinh phí hỗ trợ trả lương là 299,7 triệu đồng. Chủ trương này bước đầu đã phát huy hiệu quả, không chỉ thúc đẩy sự phát triển các HTX, mà còn tạo cho các trí thức trẻ có cơ hội thể hiện, phát huy năng lực.

Là một trong những HTX được hỗ trợ nguồn nhân lực trẻ là kỹ sư nông nghiệp, theo anh Quản Bá Tới, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Thanh Yên chia sẻ: Việc đưa tri thức trẻ là kỹ sư nông nghiệp về làm việc tại HTX đã tạo chuyển biến rõ nét trong sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Nhất là việc ứng dụng công nghệ cao để sản xuất ra sản phẩm chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế. Cụ thể, là áp dụng quy trình kỹ thuật đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp có hệ thống lò sấy và kho lạnh và liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó là góp phần tạo nên thương hiệu gạo Tâm Sáng của HTX với 3 sản phẩm: Tám Thơm, Séng Cù và Hana112 ngày càng tạo được uy tín, chất lượng, được bày bán tại nhiều hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Sự tham gia của đội ngũ nhân lực trẻ tuổi, có trình độ, năng lực đã và đang góp phần “trẻ hóa” về độ tuổi cán bộ quản lý và tư duy sản xuất trong các HTX để thích ứng với xu thế của thị trường, thực hiện có hiệu quả hơn Luật HTX 2012. Do vậy, để thu hút ngày càng nhiều trí thức trẻ tham gia phát triển HTX, thì các đơn vị chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp và hơn hết là mỗi HTX cần quan tâm hơn nữa để bồi dưỡng, giao việc, tạo cơ hội giúp trí thức trẻ phát huy sở trường, năng lực. Cùng với đó là cơ chế đủ hấp dẫn để nhiều người trẻ tìm thấy cơ hội cũng như chủ động lựa chọn mô hình HTX là nơi khởi nghiệp.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận

Tin khác

Back To Top