Nhiều giải pháp cộng hưởng giúp kiềm chế lạm phát

06:09 - Thứ Ba, 19/04/2022 Lượt xem: 3721 In bài viết

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề kiểm soát lạm phát trong quý I-2022 cũng như những giải pháp triển khai từ nay đến cuối năm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Quý I-2022, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang chịu áp lực lạm phát tăng cao.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, để đạt kết quả trên, có tác động về điều chỉnh chính sách tài khóa, trong đó có điều chỉnh chính sách thuế. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15, trong đó, giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ; giảm nhiều loại thuế, phí trong đó có lệ phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước; giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành Hàng không…

Đặc biệt, trước bối cảnh giá xăng, dầu nhập khẩu tăng cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giảm 50% thuế BVMT đối với xăng, dầu. Nhờ đó, giá bán lẻ xăng giảm 2.200 đồng/lít; giá bán lẻ dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1.100 đồng/lít. Ước tính, tổng thuế, phí và lệ phí giảm trong năm 2022 là khoảng 88.000 đến 90.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang chuẩn bị trình Chính phủ giãn thu một số loại thuế và tiền thuê đất, ước tính khoảng 135.000 tỷ đồng, trong thời gian từ 3 đến 9 tháng. Tất cả các yếu tố đó cộng hưởng giúp giảm áp lực chi phí, kiềm chế lạm phát trong quý I-2022.

Tuy vậy, từ nay đến cuối năm, vẫn có nhiều thách thức trong công tác điều hành bởi diễn biến địa chính trị vẫn phức tạp, giá cả hàng hóa và nhiên liệu trên thế giới có xu hướng gia tăng.

Vì vậy, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, phải xử lý đồng thời cả 3 hướng: Một là giảm tác động của chi phí; hai là thúc đẩy cung hàng hóa; ba là tuyên truyền, vận động, tránh tác động tâm lý kỳ vọng.

“Về tổng thể, từ nay đến cuối năm, phải theo dõi sát diễn biến thị trường từng mặt hàng, đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, kịp thời có phương án, giải pháp điều hành phù hợp”, ông Võ Thành Hưng nói.

Cùng với đó là thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh nhằm để tăng cung hàng hóa trong nước; điều hành thị trường để vận hành cung - cầu thông suốt, không bị tắc nghẽn; thông tin, tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp cố gắng tiết kiệm chi phí.

Liên quan đến việc các giải pháp tài khóa, giãn, giảm nhiều khoản thuế, phí và lệ phí trong năm 2022 có ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước, Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho hay, trong gói hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước ước tính giảm thu khoảng 64.000 tỷ đồng. Đó là đã tính đến trong trường hợp cần thiết, tăng bội chi và Quốc hội đã cho phép.

Ngoài ra, trong năm 2022, tiếp tục giảm thêm thuế BVMT đối với xăng, dầu; thực hiện giãn một số loại thuế, tiền thuê đất… Tất cả những giải pháp nêu trên sẽ có tác động đến giảm thu ngân sách nhà nước.

“Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng, trên cơ sở tăng trưởng của quý I-2022 là 5,03% và dự kiến có thể ở mức cao hơn trong các quý tiếp theo; cùng với đó, nếu chúng ta kiềm chế được lạm phát, thì dự kiến thu ngân sách nhà nước trong năm nay có thể đạt hoặc vượt so với kế hoạch”, ông Võ Thành Hưng nhấn mạnh.

P.V (theo HNM)
Bình luận

Tin khác

Back To Top