Tiếp cận chính sách hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp còn khó khăn

06:01 - Thứ Năm, 21/04/2022 Lượt xem: 2646 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, Chính phủ, các cấp, ngành liên quan đã có nhiều chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Tuy nhiên, việc bố trí nguồn lực cũng như hiệu quả các chính sách kêu gọi đầu tư cho lĩnh vực này vẫn chưa được như mong đợi.

Công ty TNHH Giống Nông nghiệp Trường Hương Điện Biên chuyển giao giống lúa mới cho nông dân.

Nghị định 57/2018/NĐ-CP, ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và Quyết định 45/2018/QĐ-UBND, ngày 24/12/2018 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm - nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh là 2 chính sách quan trọng trong việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực tế; quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Thiếu vốn và khả năng tiếp cận tín dụng là cản trở không chỉ đối với nông hộ mà còn đối với các doanh nghiệp; các ngân hàng thiếu động lực cho vay tại nông thôn, đặc biệt đối với nông hộ và doanh nghiệp nhỏ. Do thủ tục còn phức tạp nên kể cả khi có những gói hỗ trợ tín dụng của Nhà nước thì cũng rất khó để cho nông dân và doanh nghiệp nhỏ tiếp cận.

 Ngày 9/12/2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 42/2019/QĐ-UBND về Ban hành định mức hỗ trợ từng loại dự án, hạng mục, công trình đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Song đến nay gần như chưa có dự án nào được tiếp cận, thụ hưởng chính sách này. Theo nguyên tắc áp dụng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của Nghị định 57 thì doanh nghiệp tự bỏ vốn, huy động vốn để thực hiện dự án đầu tư vào ngành, nghề ưu đãi đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn. Sau đó Nhà nước hỗ trợ sau đầu tư theo định mức hỗ trợ đối với từng loại hạng mục, công trình. Trong khi đó doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu vừa và nhỏ nên nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Bên cạnh đó, theo quy định, hàng năm tỉnh dành tối thiểu 5% vốn ngân sách địa phương cho ngành nông nghiệp để thực hiện, song việc cân đối, bố trí vốn chưa như kỳ vọng.

Để được hỗ trợ theo Quyết định số 45/2018 của UBND tỉnh, các hộ gia đình, cá nhân, hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện như: Tham gia liên kết sản xuất; liên kết đảm bảo ổn định (đối với sản phẩm nông nghiệp có chu kỳ nuôi, trồng, khai thác 1 năm trở lên thì thời gian liên kết tối thiểu phải 5 năm trở lên; đối với sản phẩm nông nghiệp có chu kỳ nuôi, trồng, khai thác dưới 1 năm, thời gian liên kết tối thiểu 3 năm); phải có giấy chứng nhận hoặc cam kết đảm bảo các quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật chất lượng sản phẩm...

Cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Giống Nông nghiệp Trường Hương Điện Biên kiểm tra lúa trong giai đoạn uốn câu.

Ông Nguyễn Thanh Trường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Giống Nông nghiệp Trường Hương Điện Biên cho biết: Năm 2018, Công ty triển khai thực hiện Dự án “Sản xuất lúa theo chuỗi giá trị gia tăng” với mục tiêu sản xuất theo quy trình khép kín theo chuỗi giá trị gia tăng, tạo ra sản phẩm gạo chất lượng cao từ giống lúa Hương Việt. Công ty đã liên kết với nhà khoa học Vũ Hồng Quảng và cộng sự thuộc Viện Nghiên cứu và phát triển cây trồng (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) để lai tạo và đưa vào sản xuất giống lúa Hương Việt 3 trên cánh đồng Mường Thanh; chuyển giao giống và kỹ thuật canh tác cho nông dân, cũng như thuê đất trồng lúa và tiến hành cải tạo, quy hoạch thành cánh đồng mẫu lớn. Đồng thời xây dựng nhà máy chế biến khép kín gồm hệ thống sấy khô 60 tấn lúa tươi/ngày, hệ thống kho bảo quản 600 tấn/vụ; hệ thống xay xát chế biến hiện đại, công suất 3 tấn/giờ... Gạo Hương Việt chất lượng cao đã có chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên đến nay việc triển khai thực hiện dự án đang gặp phải nhiều khó khăn nhất là về phát triển nguồn giống năng suất, chất lượng cao; việc hợp tác giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân, thị trường tiêu thụ khó khăn; nguồn vốn đầu tư hạn hẹp… nhưng đến nay Công ty chưa được hưởng lợi từ chính sách theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP. Thiết nghĩ, để chính sách sớm đi vào cuộc sống, cơ quan chức năng cần có tổ công tác đặc biệt giúp các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế tháo gỡ khó khăn liên quan đến cơ chế, chính sách để các nhà đầu tư mạnh dạn hơn trong đầu tư vào nông nghiệp”.

Tương tự, năm 2019 Hợp tác xã Quang Vinh thực hiện dự án liên kết trồng cây dược liệu hương nhu, sản xuất tinh dầu, phát triển kinh tế cho người dân trên địa bàn xã Na Son (huyện Điện Biên Đông) nhưng đến nay chưa được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ phát triển nông - lâm nghiệp tỉnh. Ông Phùng Văn Phương, đại diện Hợp tác xã Quang Vinh cho biết: Thực hiện dự án theo quy định, hợp tác xã sẽ được hỗ trợ 225 triệu đồng tiền giống, phân bón, vôi bột, thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, đến nay hợp tác xã vẫn chưa được hỗ trợ.

Trái ngược với những doanh nghiệp chưa được hỗ trợ thì một số doanh nghiệp, hợp tác xã đã được hỗ trợ về đất đai, nguồn vốn nhưng lại sử dụng chưa đúng mục đích của chính sách, gây lãng phí nguồn lực đầu tư. Đơn cử như Hợp tác xã Hải Hà được UBND huyện Điện Biên hỗ trợ mua sắm máy móc phục vụ liên kết sản xuất và tiêu thụ cá rô phi đơn tính trong lồng bè tại hồ Hồng Khếnh (xã Thanh Hưng). Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế và hồ sơ thuyết minh dự án cho thấy, đây lại là dự án thực hiện theo hình thức hỗ trợ an sinh, chưa đúng theo bản chất của dự án liên kết theo chuỗi giá trị nhằm tăng hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững theo Quyết định 45 của UBND tỉnh.

Anh Khôi
Bình luận
Back To Top