Thiếu kinh phí di dời dân khỏi vùng thiên tai

05:45 - Thứ Tư, 18/05/2022 Lượt xem: 3054 In bài viết

ĐBP - Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh bố trí ổn định cho 620 hộ dân vùng có nguy cơ thiên tai theo Quyết định 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chương trình bố trí dân cư giai đoạn 2013 - 2019 và rà soát, điều chỉnh bổ sung thực hiện bố trí dân cư giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, công tác di dời đang gặp nhiều khó khăn, một phần thiếu kinh phí, một phần do tập quán cư trú của người dân.

Một hộ dân trên địa bàn xã Mường Toong (huyện Mường Nhé) sinh sống dưới chân đồi có nguy cơ sạt lở vào mùa mưa lũ. Ảnh: C.T.V

Huyện Mường Nhé là một trong những địa bàn chịu nhiều ảnh hưởng bởi thiên tai, nhất là lũ quét, sạt lở đất. Qua rà soát, toàn huyện có hơn 40 hộ dân trên địa bàn các xã: Pá Mỳ, Mường Nhé, Chung Chải, Nậm Vì, Nậm Kè… nằm trong vùng nguy cơ thiên tai, cần được di dời đến nơi an toàn. Song công tác di dời các hộ dân từ những vùng có nguy cơ sạt lở cao, khẩn cấp đến nơi ở mới an toàn vẫn còn nhiều khó khăn. Điển hình như bản Pá Mỳ 3 (xã Pá Mỳ) có 26 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt lở cao, nhưng từ nhiều năm nay người dân vẫn chưa được di chuyển đến nơi ở mới.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé, nguyên nhân do nguồn kinh phí của huyện hạn chế. Trong khi mức kinh phí hỗ trợ dân di dời theo Quyết định 1776/QĐ-TTg từ 20 - 30 triệu đồng/hộ là rất thấp; đặc biệt, từ năm 2020 đến nay đã hết hiệu lực (giai đoạn 2021 - 2025 chưa có văn bản, quy định, hướng dẫn thực hiện tiếp). Hơn nữa, việc tìm quỹ đất để di chuyển dân cũng gặp nhiều khó khăn. Tập quán của người dân không muốn đến nơi ở mới xa cộng đồng bản cũ. Mặc dù huyện đã tuyên truyền, vận động, giải thích nhưng người dân vẫn không di chuyển với lý do đã quen với cuộc sống ở nơi cũ.

Qua rà soát, hiện nay trên địa bàn huyện Mường Chà cũng còn nhiều hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa lũ, sạt lở đất, chủ yếu trên địa bàn các xã: Mường Tùng, Huổi Lèng, Sa Lông, Ma Thì Hồ, Mường Mươn, Na Sang...

Ông Lò Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Mường Tùng cho biết: Hiện nay, toàn xã còn 7 hộ thuộc bản Đán Đanh nằm trong vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai, sạt lở đất. Các hộ dân này nằm ven suối, đồi, rất dễ xảy ra sạt lở đất nếu mưa to kéo dài. Xã không có kinh phí để di chuyển, vì vậy xã đã làm tờ trình đề nghị huyện quan tâm, hỗ trợ di chuyển các hộ dân này đến nơi an toàn. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn hơn 10 hộ dân nằm trong vùng thiên tai mức độ nhẹ, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, trước mùa mưa năm nay xã đã có văn bản chỉ đạo tuyên truyền người dân nêu cao cảnh giác, đề phòng mưa lũ, thiên tai.

Qua rà soát, giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh cần bố trí ổn định cho 620 hộ dân vùng có nguy cơ thiên tai; trong đó bố trí tập trung 239 hộ, bố trí xen ghép 354 hộ và ổn định tại chỗ 27 hộ. Theo đó, năm 2021 bố trí ổn định cho 133 hộ dân; năm 2022 bố trí 130 hộ; năm 2023 và 2024 mỗi năm 117 hộ và năm 2025 bố trí 123 hộ dân. Để thực hiện được mục tiêu này, nguồn vốn dự kiến trong giai đoạn này hơn 869 tỷ đồng bao gồm bố trí dân cư vùng có nguy cơ thiên tai; vùng đặc biệt khó khăn và biên giới. Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, dự kiến đầu tư 30km giao thông, 4 công trình thủy lợi, 2 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, 2 công trình san lấp mặt bằng khu dân cư… Tuy nhiên, Quyết định 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2020 đã hết hiệu lực; trong khi giai đoạn mới đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện tiếp theo. Vì vậy, từ năm 2021 đến nay, các địa phương không có vốn thực hiện di chuyển dân ra khỏi vùng thiên tai.

Việc di dời người dân ra khỏi vùng thiên tai là nhiệm vụ cấp bách, bắt buộc nhằm giảm thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra mưa lũ, sạt lở đất đá. Trong điều kiện khó khăn về kinh phí, quỹ đất, các địa phương, nhất là chính quyền cơ sở cần chủ động theo dõi tình hình, diễn biến thời tiết để sớm có phương án di chuyển người dân tạm thời đến nơi an toàn trong những ngày mưa, lũ lớn. Bên cạnh đó, cần linh hoạt trong việc lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ di chuyển dân và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, chủ động bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và hợp tác với chính quyền trong thực hiện tái định cư. Mỗi người dân cần chủ động trang bị các kỹ năng phòng chống, nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai để hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top