Phòng tránh thiên tai trong sản xuất nông nghiệp

05:58 - Thứ Sáu, 20/05/2022 Lượt xem: 4053 In bài viết

ĐBP - Nông nghiệp là một trong những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi thiên tai gây ra, dễ bị thiệt hại nặng nề về cây trồng, vật nuôi... Hiện nay đã vào mùa mưa lũ, để đảm bảo an toàn trong sản xuất nông nghiệp, ngành Nông nghiệp tỉnh và chính quyền địa phương chủ động triển khai các giải pháp phòng chống, chủ động ứng phó thiên tai.

Người dân vùng lòng chảo Điện Biên khẩn trương thu hoạch lúa chiêm xuân đề phòng mưa lũ gây thiệt hại.

Biến đổi khí hậu gây thời tiết cực đoan đã ảnh hưởng nặng nề đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2021 đến nay, thiên tai đã làm thiệt hại hơn 1.312ha lúa; gần 28ha ngô, sắn, hoa màu; 82ha cây trồng lâu năm; gần 800 con gia súc, gia cầm và gần 25,5ha ao, hồ nuôi trồng thủy sản; 24 công trình thủy lợi và gần 4.300m kênh mương bị sạt lở... tổng thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Từ đầu năm 2022 đến nay, hàng chục héc ta lúa, cây trồng của người dân cũng bị thiệt hại do mưa, dông lốc gây ra.

Vụ đông xuân năm 2022, toàn tỉnh gieo cấy 9.768ha lúa; trong đó trà sớm gần 2.400ha, trà chính vụ hơn 6.660ha và trà muộn hơn 704ha. Để chủ động phòng chống thiên tai, ngành Nông nghiệp, chính quyền các địa phương tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức ứng phó với thiên tai cho người dân; hướng dẫn chăm sóc cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết để tăng hiệu quả sản xuất. Đặc biệt là bài học kinh nghiệm vụ đông xuân 2019 - 2020, hơn 1.000ha lúa bị thiệt hại ngay trước thời điểm chuẩn bị thu hoạch do mưa đá hay vụ mùa năm 2020 - 2021 có 600ha lúa bị gãy đổ do dông lốc làm giảm sản lượng 30%. Do đó với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh hiện nay đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa đông xuân có độ chín trên 85% để tránh ảnh hưởng do dông lốc, mưa lũ.

Đối với diện tích rau màu, cây ăn quả đã đến thời kỳ thu hoạch cũng được khuyến cáo khẩn trương thu hoạch nhằm tránh thiệt hại do thời tiết, sinh vật gây hại. Đối với rau màu bị ảnh hưởng bởi mưa bão mà chưa thể thu hoạch, các hộ dân được khuyến cáo buộc dựng lại các diện tích đổ do mưa lũ, thoát nước tiêu úng kịp thời khi xảy ra ngập. Khẩn trương vun cao luống, khơi thông rãnh thoát nước để thuận lợi cho tiêu thoát nước trên những diện tích rau, màu mới trồng. Thực hiện chằng buộc, chống cành, chống cây đối với cây ăn quả để hạn chế đổ gãy, rụng quả khi có gió mạnh.

Không chỉ thiệt hại trong mùa mưa lũ, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh những năm qua còn chịu tác động lớn do hạn hán; thậm chí vào giữa mùa mưa, một số địa bàn vẫn thiếu nước sản xuất. Trước tình hình thiệt hại do hạn hán gây ra, ngành Nông nghiệp tỉnh đã rà soát diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do khô hạn để vận động khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong 4 năm qua, toàn tỉnh đã chuyển đổi hơn 2.000ha góp phần hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra, giúp người dân có thu nhập từ sản xuất nông nghiệp. Đối với các diện tích được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả (chủ yếu dứa, xoài, mận) đến nay bắt đầu cho thu hoạch, với năng suất ước đạt gần 100 tạ/ha; thu nhập bình quân hơn 200 triệu đồng/ha.

Để thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiệt hại bởi thiên tai, ngành Nông nghiệp tỉnh đang tiếp tục nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm thiên tai từng vùng. Đồng thời, đầu tư các công trình làm giảm thiểu tác động của thiên tai đến sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường công tác theo dõi, dự báo tình hình thời tiết kịp thời khuyến cáo, hướng dẫn người dân bảo vệ cây trồng, vật nuôi.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top