Sản xuất xanh – sạch – chất lượng

14:31 - Thứ Ba, 27/02/2024 Lượt xem: 5826 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, sản xuất nông nghiệp đạt nhiều thành tựu tích cực, góp phần quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên. Từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đến nay đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung; hình thành nhiều mối liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và người dân, tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Đặc biệt là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã và đang hướng tới sản xuất xanh - sạch - chất lượng.

Mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tại các xã vùng lòng chảo Điện Biên.

Sản xuất lúa 2 vụ tiếp tục cho thấy sự chuyển biến rõ về nhận thức, thay đổi tập quán canh tác lâu đời của người nông dân. Nhiều địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đã nâng cao về nhận thức cho nông dân trong việc giảm lượng giống gieo sạ, quản lý dịch hại IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng”, giảm lượng phân bón vô cơ, thực hiện “3 giảm 3 tăng”, cơ giới hóa sản xuất… Những giải pháp, quy trình kỹ thuật đồng bộ này đã mang lại nhiều lợi ích, giúp giảm chi phí sản xuất và giảm ô nhiễm môi trường.

Huyện Điện Biên có diện tích sản xuất lúa 2 vụ lớn nhất tỉnh Điện Biên, bình quân đạt trên 4.500ha/vụ.

Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Những năm qua, huyện chú trọng sử dụng các loại giống lúa có năng suất và khả năng chống chịu sâu bệnh, thích nghi với biến đổi khí hậu. Đồng thời, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất. Hiện nay, toàn huyện đã cơ bản áp dụng cơ giới hóa trong cả 3 khâu: Làm đất, gieo cấy và thu hoạch. Đến năm 2025, huyện Điện Biên hướng đến việc áp dụng cơ giới hóa trong việc chăm sóc lúa, phun thuốc bảo vệ thực vật.

Huyện Điện Biên cũng quan tâm thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực, nhận thức của người dân như: Tập huấn về quản lý sức khỏe cây trồng (IPHM), tập huấn nâng cao năng lực chính quyền cấp xã trong công tác quản lý buôn bán, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp, HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa gạo. Nhờ đó, sản phẩm lúa gạo của huyện Điện Biên từng bước nâng cao về chất lượng và giá trị sản phẩm trên thị trường.

Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong tất cả các khâu sản xuất lúa trên cánh đồng Mường Thanh.

Không chỉ riêng sản xuất lúa gạo, tỉnh Điện Biên cũng đã có nhiều chuyển biến trong lĩnh vực trồng trọt hướng tới sản xuất an toàn và thân thiện môi trường. Hiện nay, toàn tỉnh có 23 chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm nông nghiệp an toàn. Các chuỗi đều xây dựng thành công mối liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh với các hộ dân. Các sản phẩm có chất lượng, bao bì nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, một số sản phẩm có vùng nguyên liệu được hỗ trợ chứng nhận hữu cơ. Điển hình như: Mô hình trồng cây ăn quả của Công ty TNHH cara farm Việt Nam tại huyện Điện Biên; vùng nguyên liệu các sản phẩm chè của Công ty TNHH Trà Phan Nhất tại xã Xuân Lao (huyện Mường Ảng); sản phẩm chè cây cao Tủa Chùa.

Bắt đầu triển khai mô hình trồng cây ăn quả từ năm 2014. Đến nay, Công ty TNHH cara farm Việt Nam đã sở hữu vườn cây ăn quả với diện tích 3,5ha, trong đó: 2ha cam; 1ha bưởi; 0,5ha chuối. Ngay từ những ngày đầu thực hiện mô hình, Công ty đã định hướng sản xuất theo phương pháp hữu cơ, phát triển sản phẩm ngon, sạch và thân thiện với môi trường. Sau 8 năm thực hiện, tháng 10/2022, mô hình được cấp chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Công nhân Công ty TNHH cara farm Việt Nam chăm sóc cây ăn quả theo hướng hữu cơ.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Giám đốc Công ty TNHH cara farm Việt Nam cho biết: Ngay từ đầu, tôi đã lựa chọn 2 giống cây chủ lực để thực hiện mô hình, đó là: Cây cam Cara có xuất xứ từ nước Úc và cây bưởi da xanh xuất xứ từ tỉnh Bến Tre. Bưởi da xanh và cam Cara ruột đỏ là những loại quả quý, có hàm lượng vitamin cao tốt cho sức khỏe, đồng thời đây là 2 loại có có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, điều kiện khí hậu, thổ những của tỉnh Điện Biên rất phù hợp, chưa bị ô nhiễm bởi khói bụi, rác thải thích hợp với hình thức canh tác hữu cơ. Đặc biệt là, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm lớn là một lợi thế cực lớn, là điều kiện lý tưởng để phát triển các loại cây ăn quả có múi. Sản phẩm sẽ có mùi vị, chất lượng riêng biệt, chỉ ở Điện Biên mới có.

Khi lựa chọn được cây giống, vùng trồng lý tưởng, Công ty TNHH cara farm Việt Nam đặc biệt chú trọng cách thức triển khai trồng, chăm sóc. Nhất là việc nói không với việc lạm dụng sử dụng thuốc diệt, trừ sâu, các chất điều tiết tăng trưởng mà thay vào đó là phương thức hữu cơ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự chuyển hóa khép kín của vườn cây, tạo hệ sinh thái cân bằng ngay trong khu vườn, từ đó cho ra những sản phẩm đảm bảo sạch, chất lượng cao. Sản xuất hữu cơ cho năng suất, sản lượng thấp hơn hoặc xấp xỉ bằng so với hình thức sản xuất truyền thống song bù lại giá trị sản phẩm, giá bán sản phẩm ra thị trường cao hơn. Hiện nay, giá bán sản phẩm Bưởi da xanh 70k/kg, cam Cara 90k-120k/kg. Sản phẩm thu hoạch đến đâu bán hết đến đấy. Thị trường sản phẩm không còn bó hẹp trong tỉnh Điện Biên mà đã phát triển rộng ra các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước. Hiện nay, công ty đang có định hướng mở rộng quy mô mô hình lên 4,5ha.

Trong chăn nuôi, việc xử lý chất thải, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp… bằng cách xây dựng kinh tế tuần hoàn đang được áp dụng với những quy mô khác nhau. Tỉnh Điện Biên đã và đang phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, chăn nuôi nông hộ theo hướng hữu cơ và chuyên môn hóa.

Các trang trại quy mô vừa và nhỏ đều có biện pháp thu gom, xử lý chất thải.

Đến nay, toàn tỉnh có 2 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt các tiêu chí về kinh tế trang trại. Bên cạnh đó, các huyện tiếp tục mở rộng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường. Nông hộ, cơ sở chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học, sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường trong chăn nuôi. Đến nay, có 2 trang trại quy mô lớn có báo cáo đánh giá tác động môi trường và có hệ thống xử lý chất thải; các trang trại quy mô vừa và nhỏ đều có biện pháp thu gom, xử lý chất thải; có khoảng 4.900 hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp xử lý chất thải (thu gom, ủ phân, làm hầm Biogas, sử dụng đệm lót sinh học). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số liên kết trong chăn nuôi lợn tiêu chuẩn VietGAP với quy mô khoảng 1.200 - 1.300 con lợn thịt/lứa (2 - 3 lứa/năm) theo hình thức chăn nuôi gia công với các doanh nghiệp trong và ngoài nước (Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mavin).

Bài ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top