Tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn

08:57 - Thứ Tư, 28/02/2024 Lượt xem: 2572 In bài viết

Kinh tế tư nhân được đánh giá có vai trò quan trọng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, để giúp kinh tế tư nhân phát triển bền vững, là động lực tăng trưởng cho đất nước, cần sớm nhận diện bất cập, tháo gỡ những “điểm nghẽn”.

Công nhân Công ty Ladoda may túi, cặp da phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Trong đó, quan trọng nhất phải tạo lập được môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, an toàn, bình đẳng; có thêm những chính sách hỗ trợ; đặc biệt là phải nâng cao chất lượng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp nhằm đáp ứng tốt yêu cầu của thời kỳ mới.

Tạo sự bình đẳng trong các khu vực kinh tế

Kinh tế tư nhân ở nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ, đến nay có khoảng gần 900 nghìn doanh nghiệp hoạt động, với khoảng 7 triệu doanh nhân. Kinh tế tư nhân đang đóng góp gần 45% GDP cả nước, một phần ba thu ngân sách nhà nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho 85% số lao động cả nước; chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này cho thấy vai trò, vị trí và sự lớn mạnh của nguồn lực kinh tế tư nhân đang ngày càng được khẳng định, góp phần làm thay đổi bộ mặt đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Dù đạt được rất nhiều thành tựu đáng mừng, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, rõ ràng hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân chưa được như kỳ vọng, còn hạn chế ở nhiều mặt. Đặc biệt, khu vực này vẫn chưa thật sự được hưởng bình đẳng so với khu vực kinh tế nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong tiếp cận nguồn lực đất đai, vốn,... Ngoài ra, thể chế phát triển kinh tế tư nhân còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chậm đưa những chính sách hỗ trợ vào thực tiễn cuộc sống. Thậm chí có lúc, có nơi gây khó khăn, làm sai lệch những chủ trương, chính sách hỗ trợ đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

Theo một khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các doanh nghiệp tư nhân luôn ở trong tình trạng thiếu hụt nguồn vốn và dòng tiền kinh doanh, nhất là đối với các doanh nghiệp quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Các doanh nghiệp cho biết, rất khó tiếp cận gói chính sách hỗ trợ giảm lãi suất ngân hàng và giãn thời gian cho vay; 44% số doanh nghiệp được hỏi không tiếp cận được gói hỗ trợ tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội và gần 40% số doanh nghiệp cho biết chưa đến được với chính sách gia hạn đóng thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng...

Vì vậy, có thời điểm hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân ở mức rất thấp, khiến phần lớn doanh nghiệp không dám mở rộng quy mô, thậm chí số doanh nghiệp dự định giảm quy mô hoặc đóng cửa còn ở mức cao,…

Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, PGS, TS Nguyễn Trọng Điều cho rằng, trong khi kinh tế tư nhân đóng góp tích cực vào GDP, tạo việc làm, tham gia mạnh vào thị trường xuất khẩu, thì trên thực tế nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước cho khu vực này còn chưa tương xứng. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh vẫn chưa thuận lợi, còn gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai, vốn, thị trường, khách hàng; còn các bất lợi về thuế.

Do đó, mong muốn Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, xóa bỏ những “rào cản” gây khó cho doanh nghiệp; cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua tập trung cải cách thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực còn gây phiền hà cho doanh nghiệp như: đất đai, thuế, xây dựng,…; đồng thời, giảm thiểu gánh nặng thanh tra, kiểm tra theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp,...

Xây dựng môi trường kinh doanh an toàn

Chính vì vậy, ngay trong những ngày đầu tháng 1/2024, Nghị quyết 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 đã được Chính phủ kịp thời ban hành. Nghị quyết đặt ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm là cần làm mới các động lực tăng trưởng cũ và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; giảm rủi ro chính sách; củng cố niềm tin, tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp,...

Thực tế trong năm 2023, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đối với các động lực tăng trưởng truyền thống, đã đóng góp vào tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) mới chủ yếu là từ đầu tư công, trong khi đó tỷ trọng đóng góp của đầu tư tư nhân còn rất thấp, chỉ đạt 2,7%. Đáng nói, so với giai đoạn 2019-2022, đây là mức thấp nhất, cụ thể, so với năm 2019 thấp hơn 6,3 lần, năm 2020 thấp hơn 1,1 lần, năm 2021 là 2,6 lần và năm 2022 là 3,3 lần. Do đó, vấn đề mấu chốt là cần tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, cùng với tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, an toàn để có thể thúc đẩy đầu tư tư nhân.

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, năm 2024 được xem là năm bản lề của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu tăng trưởng từ 6-6,5%. Và để đạt được các mục tiêu về kinh tế-xã hội đã đề ra, kinh tế tư nhân phải có sự đóng góp nhiều hơn nữa. Vì vậy, trong năm 2024 và các năm tiếp theo, các chính sách vĩ mô phải xoay quanh việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong nước, tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu,...

Đặc biệt, với việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong tình hình mới (ngày 10/10/2023) sẽ tạo thêm động lực, niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam khi Nghị quyết xác định rất rõ trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị là tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển. Doanh nghiệp rất vui mừng vì điều này, bởi an ninh, an toàn trong sản xuất-kinh doanh là yếu tố rất quan trọng và được ưu tiên hàng đầu.

Với những cải cách, đổi mới mạnh mẽ về thể chế, chính sách thời gian gần đây sẽ giúp khu vực kinh tế tư nhân có thêm điều kiện để phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Do đó, năm 2024, Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp, chính sách nhằm “giữ lửa” cho đà cải cách môi trường kinh doanh, không những thuận lợi mà còn phải an toàn, bình đẳng.

Việc cải thiện môi trường kinh doanh không nên chỉ dừng ở tháo gỡ khó khăn một cách thụ động mà cần chủ động tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Điều quan trọng, các cơ quan quản lý cần đối thoại thực chất với doanh nghiệp, đẩy mạnh, nâng cao chất lượng thực thi chính sách, tạo niềm tin và khí thế kinh doanh cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến vì sự tăng trưởng kinh tế và lợi ích chung của đất nước, người dân và doanh nghiệp.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top