Hầu hết các dự án mắc ca “giậm chân tại chỗ”

15:18 - Thứ Hai, 08/04/2024 Lượt xem: 3919 In bài viết

ĐBP - Do quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên tiến độ thực hiện các dự án trồng cây mắc ca đều bị chậm so với kế hoạch đăng ký với tỉnh. Nguyên nhân chậm tiến độ đã được đánh giá, xem xét cụ thể song đến nay, giải pháp tháo gỡ chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Dự án trồng Mắc ca công nghệ cao tại huyện Mường Ảng là một trong những dự án bị ngừng hoạt động một phần.

Hầu hết chậm tiến độ

Đến thời điểm cuối năm 2023, tỉnh Điện Biên có 13 dự án trồng cây mắc ca của 11 doanh nghiệp, nhà đầu tư được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô trồng 91.645ha. Tuy nhiên, cho đến nay các dự án gần như “giậm chân tại chỗ” về tiến độ, ảnh hưởng đến hiệu quả dự án, kế hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, UBND tỉnh đã quyết định điều chỉnh giảm quy mô các dự án xuống còn 61.223ha với tổng diện tích điều chỉnh giảm là 35.853ha thuộc 7 dự án. Trong đó, dự án trồng thâm canh cây mắc ca tại huyện Nậm Pồ chấm dứt hoạt động (giảm 5.869ha); 3 dự án tại huyện Điện Biên và Điện Biên Đông được điều chỉnh giảm 2.335ha; 3 dự án tại huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Ảng, Tủa Chùa ngừng hoạt động một phần dự án (giảm 27.649ha).

Ông Trần Văn Thượng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Tất cả các dự án mắc ca đều không đạt diện tích trồng hàng năm theo tiến độ đã được phê duyệt và cam kết của nhà đầu tư. Hiện nay, các dự án đã thực hiện đo đạc, quy chủ đất đai được 21.573ha, đạt 35% tổng diện tích phải đo đạc; tổ chức trồng được 6.629ha, đạt 15% kế hoạch phê duyệt đến năm 2024. Đến nay có 4 dự án đã vượt quá thời gian thực hiện trồng theo tiến độ được duyệt; 2 dự án hết thời gian thực hiện trồng trong năm 2023; 6 dự án sẽ hết thời gian thực hiện trồng trong năm 2025 và 1 dự án hết thời gian thực hiện trồng trong năm 2028.

Công nhân Công ty Cổ phần mắc ca Kinh Bắc Điện Biên chăm sóc vườn cây mắc ca tại bản Huổi Xa I (xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông).

Dự án trồng mắc ca công nghệ cao tại xã Pu Nhi (huyện Điện Biên Đông) là 1 trong 4 dự án đã vượt quá thời gian thực hiện trồng theo tiến độ được duyệt. Dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 643/QĐ-UBND ngày 03/7/2020 với quy mô 1.250ha, trong đó diện tích cây mắc ca là 1.200ha. Ngày 29/12/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2178/QĐ-UBND điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Quy mô trồng của dự án sau điều chỉnh là 761,7ha (trong đó: Diện tích dự kiến nhà nước cho thuê đất khoảng 741,7ha; diện tích dự kiến nhà đầu tư liên kết với người dân khoảng 20ha).

Theo tiến độ được phê duyệt, đến hết năm 2022 dự án phải trồng xong toàn bộ diện tích nhưng đến nay, nhà đầu tư mới chỉ trồng được 470ha (nhà đầu tư thực hiện 450ha, hợp tác liên kết với người dân thực hiện 20ha), đạt 62% so với quy mô phê duyệt của dự án sau khi điều chỉnh.

Nhiều vướng mắc

Khó khăn đầu tiên và lớn nhất hiện nay là đa số các nhà đầu tư đều khó huy động nguồn vốn thực hiện dự án. Thiếu vốn nên việc đầu tư mở rộng diện tích khó thực hiện.

Vườn mắc ca thuộc dự án trồng mắc ca công nghệ cao tại xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé), hiện nay cỏ, cây bụi mọc cao hơn cây mắc ca.

Dự án trồng mắc ca công nghệ cao tại huyện Tuần Giáo triển khai trồng từ năm 2018 - 2019 do Công ty Cổ phần Macadamia tỉnh Điện Biên thực hiện. Đến nay, dự án đã trồng được 1.498,7ha. Trong 2 năm gần đây, nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn về nguồn lực do đó toàn bộ diện tích vườn mắc ca đã trồng không được phát thực bì, xới vun gốc, bón phân, tưới nước, cắt tỉa tạo tán... Công tác quản lý, bảo vệ vườn cây còn nhiều hạn chế ảnh hưởng đến tình hình sinh trưởng, phát triển và khả năng ra hoa, đậu quả của cây mắc ca.

Tương tự, dự án trồng mắc ca công nghệ cao tại huyện Mường Nhé đã trồng được 452,22ha. Tuy nhiên, 2 năm gần đây nhà đầu tư không bố trí kinh phí để chăm sóc vườn cây; vườn cây không có người trông coi, bảo vệ chăm sóc; cỏ, cây bụi mọc cao hơn cây mắc ca; nhiều cây bị chết và nhiều diện tích có nguy cơ bị gia súc phá hại.

Ông Bùi Văn Định, người đại diện Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển mắc ca Tây Bắc cho biết: Thời gian qua, Công ty gặp nhiều khó khăn về tài chính, khó huy động vốn nên việc triển khai trồng mới cũng như chăm sóc, bảo vệ các vườn mắc ca đã trồng bị hạn chế.

Ông Vũ Văn Dũng, Công ty Cổ phần HD Kinh Bắc cho biết: “Có xã, bản đồ đo đạc địa chính sai khác 70 - 90% về tên chủ sử dụng, vị trí, diện tích thửa đất”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Các vườn cây mắc ca do Công ty Cổ phần Macadamia tỉnh Điện Biên đầu tư đã lâu không chăm sóc, cỏ mọc nhiều trong khi hiện nay đang là cao điểm mùa khô hanh, là mùa đốt nương của người dân nên nguy cơ xảy ra cháy rất cao. Nếu để xảy ra cháy, thiệt hại sẽ rất lớn.

Tại huyện Điện Biên Đông, Công ty Cổ phần HD Kinh Bắc là nhà đầu tư thực hiện Dự án trồng mắc ca công nghệ cao tại xã Pu Nhi (dự án sau điều chỉnh là 761,7ha; đã thực hiện trồng được 470ha) và dự án trồng mắc ca công nghệ cao tại địa bàn 4 xã: Na Son, Pu Nhi, Noong U, Xa Dung (quy mô 7.400ha, đã thực hiện trồng 380ha). Hiện nay, tình hình triển khai thực hiện 2 dự án của Công ty cũng gặp nhiều khó khăn.

Ông Vũ Văn Dũng, phụ trách các dự án trồng cây mắc ca của Công ty Cổ phần HD Kinh Bắc cho biết: Hiện nay, bản đồ đo đạc địa chính để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2013 so với hiện trạng đã thay đổi rất nhiều. Có xã, bản đồ đo đạc địa chính sai khác tới 70 - 90% về tên chủ sử dụng đất, vị trí, diện tích thửa đất. Do đó, nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai đo đạc, xin thu hồi và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, diễn biến tăng của rừng hàng năm đối với các diện tích vùng dự án cũng là khó khăn rất lớn. Nhiều trường hợp Công ty đã tiến hành đền bù, hỗ trợ công khai hoang cho người dân song khi thực hiện lại có diễn biến tăng rừng, không thể thực hiện tiếp, gây lãng phí cho nhà đầu tư.

Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top