Kinh tếQuản lý, bảo vệ rừng

Phòng cháy hơn chữa cháy

14:31 - Thứ Ba, 16/04/2024 Lượt xem: 2538 In bài viết

ĐBP - Thời tiết hanh khô kéo dài những ngày gần đây dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Để chủ động giải pháp hạn chế các vụ cháy gây thiệt hại về rừng, lực lượng chức năng và các địa phương trong tỉnh luôn xác định phòng cháy là yếu tố cốt lõi. Trong đó tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người dân nắm bắt các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR); góp phần nâng cao nhận thức về PCCCR cho cộng đồng cũng như mỗi người dân.

Kiểm lâm huyện Nậm Pồ phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật đốt nương cho người dân địa phương.

Ngay từ thời điểm bắt đầu bước vào mùa khô năm 2023 - 2024, đội ngũ kiểm lâm phụ trách địa bàn các xã trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã tham mưu cho chính quyền địa phương; phối hợp với các tổ chức, đoàn thể trong xã tiến hành tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCCR chung cho toàn cộng đồng. Ngoài hướng dẫn về lý thuyết, với phương châm “cầm tay chỉ việc”, lực lượng kiểm lâm còn trực tiếp hướng dẫn kỹ năng phòng cháy cho người dân theo từng nhóm hộ tại thực địa, làm sao để bà con dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng nhất vào thực tiễn.

Sau khi hướng dẫn bà con những kỹ năng cơ bản về PCCCR, ông Chảo A Khua, kiểm lâm địa bàn xã Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ) chia sẻ: “Để người dân hiểu sâu rộng thì chúng tôi cũng tuyên truyền đến từng bản về PCCCR, hướng dẫn thời gian đốt nương theo quy định, kỹ thuật, phương thức phát đường băng cản lửa như thế nào để tránh lửa cháy lan vào rừng… Chủ động xây dựng các phương án kế hoạch tuần tra và rà soát các điểm có nguy cơ cháy rừng và thông báo, cảnh báo cháy rừng cho bà con. Nhờ vậy mà ý thức phòng cháy của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng được cải thiện rõ rệt, hạn chế nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn…”.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra công tác PCCCR tại các đơn vị.

Thời điểm phát, đốt, dọn nương chuẩn bị cho sản xuất nông nghiệp của bà con trên địa bàn tỉnh trùng với mùa hanh khô nên nguy cơ xảy ra cháy rừng càng cao. Thông qua các buổi tuyên truyền, người dân được tiếp thu kiến thức liên quan đến công tác bảo vệ rừng nói chung, PCCCR nói riêng. Đặc biệt là quy trình đốt nương hạn chế nguy cơ cháy rừng. Ông Lò Văn Linh, bản Nà Hỳ 3, xã Nà Hỳ, cho biết: “Cán bộ kiểm lâm đã tuyên truyền, hướng dẫn bà con dân bản cách đốt nương thế nào cho an toàn, không để cháy lan vào rừng. Khi đốt nương phải đốt từ trên xuống dưới, không đốt từ dưới lên vì làm vậy dễ dẫn đến bùng cháy to và lan sang các khu rừng khác. Cán bộ kiểm lâm còn chỉ cách làm đường băng cản lửa cho an toàn. Nếu đốt ở khu nào có diện tích rộng thì phải báo với bản hoặc kiểm lâm trực tiếp đi cùng và chỉ đốt nương vào buổi sáng, khi không có gió thôi để đảm bảo an toàn, không cháy lan. Khi nắm bắt được các kiến thức về PCCCR thì dân bản đều chấp hành tốt, không ai vi phạm”.

Khi bà con nắm bắt được quy trình đốt nương, việc áp dụng thực hiện trong thực tiễn mới là yếu tố mang tính quyết định đến hiệu quả công tác PCCCR. Xác định được điều đó, các chủ rừng là cộng đồng chủ động xây dựng quy ước bảo vệ rừng,  ghi rõ quy trình đốt nương trên cơ sở hướng dẫn của lực lượng kiểm lâm; sau đó phổ biến để mọi người dân biết và thực hiện. Ông Mùa A Lầu, Trưởng bản Ten Hon, xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) nhấn mạnh: “Trong quy ước bảo vệ rừng, bản Ten Hon đã lưu ý những việc cần làm, cần tránh khi đốt nương để không cháy lan. Bản đã quy định: không mang lửa vào rừng và thường xuyên nhắc nhở người dân về việc đó để hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra cháy rừng. Bởi từ trước tới nay đã xảy ra không ít vụ cháy rừng do người dân đem lửa vào rừng đốt ong hoặc một số việc làm khác gây cháy rừng nên mình phải đưa vào hương ước để bà con rút kinh nghiệm”.

Người dân huyện Mường Chà tham gia gắn biển “Cấm lửa và cấm chặt phá rừng” nhằm nâng cao nhận thức cho bà con.

Ngoài tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân, lực lượng kiểm lâm còn tập trung đánh giá, nhận định tình hình và phân tích các yếu tố gây cháy rừng. Qua phân tích nguyên nhân sẽ xác định các phương án phòng cháy hiệu quả nhất. Trong đó, tập trung hướng dẫn nhân dân thực hiện nghiêm quy trình đốt nương là một trong những giải pháp cơ bản để hạn chế nguy cơ cháy rừng.

Chia sẻ về tình hình thực tế trong công tác PCCCR trên địa bàn tỉnh, ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Đối với đặc thù của tỉnh chúng ta trong mùa khô, thời điểm có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng thường vào khoảng từ tháng 1 đến tháng 4 hằng năm. Thời gian đó lại trùng với mùa sản xuất nương của bà con. Trong quá trình sản xuất, bà con phát, dọn, đốt nương nếu không thực hiện nghiêm quy trình phát đốt dọn sẽ dẫn đến cháy lan vào rừng. Qua kiểm tra các vụ việc cháy rừng cho thấy, bà con đã cơ bản thực hiện tốt quy trình đốt nương. Tuy nhiên, không ít trường hợp do chủ quan, sơ suất trong việc đốt nương kết hợp với đặc thù mùa khô gió lớn, dẫn đến gió bay vượt quá tầm kiểm soát và gây cháy lan. Lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh đã vào cuộc tuyên truyền, hướng dẫn giúp người dân nắm bắt rõ quy trình, kỹ thuật đốt nương cũng như PCCCR; để mỗi người dân nâng cao khả năng chữa cháy rừng.

Cán bộ và nhân viên Ban Quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Mường Nhé hướng dẫn người dân về các mức độ, nguy cơ cháy rừng.

Để PCCCR hiệu quả nhất, toàn dân phải nắm bắt được biện pháp cũng như các quy định về phòng cháy rừng; góp phần không nhỏ tới hiệu quả PCCCR của mỗi địa phương. Trong giai đoạn cao điểm đốt nương, mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành các phương án phòng cháy nhằm giảm thiểu thấp nhất nguy cơ cháy rừng. Đồng thời duy trì tuần tra rừng để phát hiện sớm các điểm có nguy cơ cháy cao và chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện về nhân lực, phương tiện, dụng cụ để tham gia chữa cháy rừng nếu xảy ra. Có như vậy mới đúng với tinh thần “phòng cháy hơn chữa cháy”.

Bài, ảnh: Quang Hưng
Bình luận
Back To Top