Chuyển đổi xanh không chỉ như "bật công tắc"

08:42 - Thứ Ba, 04/01/2022 Lượt xem: 4254 In bài viết

Hiệp ước Khí hậu Glasgow được 197 quốc gia đồng thuận thông qua tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) với mục tiêu chính là kiềm chế Trái đất nóng lên ở mức 1,50C. COP26 đã ghi nhận những cam kết tài chính và giảm phát thải, song vẫn còn những tranh cãi về cách thức thế giới tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Khu vực triển lãm của ADIPEC 2021 tại Abu Dhabi (UAE). Ảnh ADIPEC

Nhiên liệu hóa thạch được cho là nguyên nhân chính cho sự nóng lên toàn cầu và tại COP26 nhiều nhà lãnh đạo đã kêu gọi thế giới tiến tới cắt giảm các khoản trợ cấp đầu tư cho việc khai thác nguồn năng lượng này. Tuy nhiên, các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới vẫn bảo vệ vai trò của nhiên liệu hóa thạch trong phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh năng lượng toàn cầu, đồng thời cho rằng thế giới có thể cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà không nhất thiết phải từ bỏ than đá, dầu mỏ và khí đốt.

Phát biểu khai mạc Hội nghị và triển lãm dầu khí quốc tế Abu Dhabi (ADIPEC) 2021-một trong những cuộc gặp hằng năm lớn nhất của các nhà sản xuất năng lượng, Tổng Giám đốc Công ty Dầu mỏ quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) Sultan Ahmed al-Jaber (A-mét An Gia-bơ) nhận định, thế giới không thể "rút phích cắm" khỏi hệ thống nhiên liệu hóa thạch. Sultan Ahmed al-Jaber-người vừa đại diện cho Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tại COP26 với tư cách là đặc phái viên về biến đổi khí hậu khẳng định, năng lượng tái tạo là phân khúc phát triển nhanh nhất trong thị trường năng lượng, nhưng dầu khí vẫn là phân khúc lớn nhất và sẽ còn dẫn đầu trong vài thập niên tới; cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng thế giới đang phải đối mặt là do đã lơ là đầu tư vào nguồn nhiên liệu hóa thạch trong gần một thập niên qua. Theo Sultan Ahmed al-Jaber, ngành công nghiệp dầu khí vẫn cần được đầu tư khoảng 600 tỷ USD/năm cho đến năm 2030 để đáp ứng mức nhu cầu năng lượng dự kiến.

Tham luận tại ADIPEC, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia (A-rập Xê-út), Hoàng tử Abdulaziz bin Salman (Áp-đu-la-dít Bin Xan-man) cho rằng những nỗ lực vì khí hậu cần bảo đảm hài hòa và bao trùm trong an ninh năng lượng cũng như tăng trưởng kinh tế, đặc biệt đối với các nước đang phát triển. Trong bối cảnh các quốc gia còn chưa phát triển đồng đều, Hoàng tử Saudi Arabia khuyến nghị thế giới cần chú trọng hơn vào việc quản lý lượng khí phát thải, thay vì đổ lỗi cho các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Các nhà sản xuất năng lượng tin rằng các công nghệ tiên tiến như thu giữ và lưu trữ carbon (lưu trữ lượng khí thải dưới lòng đất), có thể cho phép các nền kinh tế tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Sultan Ahmed al-Jaber cho biết, ADNOC cũng đang mở rộng khả năng thu giữ và lưu trữ carbon, nâng công suất từ 800 nghìn tấn lên 5 triệu tấn mỗi năm. Song, các nhà hoạt động vì khí hậu vẫn phản đối điều này vì cho rằng công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon còn quá tốn kém, chưa được chứng minh ở quy mô lớn và chỉ để cho phép các ngành công nghiệp gây ô nhiễm tiếp tục hoạt động.

Đề cao những thỏa thuận hành động vì khí hậu vừa được thông qua tại COP26, Sultan Ahmed al-Jaber cho rằng năng lượng sạch sẽ là tương lai của thế giới nhưng tiến trình chuyển đổi xanh toàn cầu không thể được thực hiện chỉ như việc "bật công tắc", mà trước mắt, thế giới vẫn cần nguồn năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch. Sau COP26, các quốc gia sẽ quay trở lại bàn đàm phán vào cuối năm 2022 tới tại COP27 ở Ai Cập để đánh giá lại những cam kết giảm phát thải carbon.

P.V (theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top