Gìn giữ, bảo tồn các môn thể thao dân tộc

07:56 - Thứ Sáu, 10/02/2023 Lượt xem: 6864 In bài viết

ĐBP - Đã thành thông lệ, mỗi dịp đầu năm, TX. Mường Lay lại ngập tràn trong không khí náo nức, vui tươi của Lễ hội Đua thuyền đuôi én. Năm 2023 là năm thứ 8 thị xã tổ chức thành công lễ hội này. Và một trong những điểm nhấn mang đến sự thành công của lễ hội là các môn thể thao dân tộc được tổ chức lồng ghép, giúp người dân và du khách được tham gia trải nghiệm, tạo sự hứng khởi, vui vẻ để đón chào năm mới. Anh Nguyễn Thành Nam, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Lần đầu tiên đến với Mường Lay, tôi cảm nhận được sự gần gũi, ấm áp của người dân nơi đây. Việc được trải nghiệm các môn thể thao dân tộc như: Ném còn, kéo co, xem chọi gà... thực sự đã để lại nhiều hình ảnh đẹp.

Môn kéo co là một trong những hoạt động thể thao được tổ chức lồng ghép với sự kiện Lễ hội Đua thuyền đuôi én TX. Mường Lay.

Không chỉ Lễ hội Đua thuyền đuôi én, những năm qua, nhiều hội thi, lễ hội... được tổ chức đã lồng ghép các môn thể thao dân tộc, từ đó, không chỉ mang lại sự đa dạng, phong phú cho sự kiện mà còn góp phần gìn giữ, bảo tồn các môn thể thao dân tộc. Ông Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Nghiệp vụ Thể dục Thể thao (TDTT) (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Hàng năm, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông về lợi ích của việc tập luyện TDTT nói chung, các môn thể thao dân tộc nói riêng đến tất cả các đối tượng (công nhân viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, thanh niên, học sinh, sinh viên, phụ nữ, người cao tuổi và nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh). Tổ chức nhiều hoạt động thi đấu thể thao, chú trọng quan tâm đến các môn thể thao dân tộc như: Bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, tung còn... tại các huyện, thị (theo hình thức liên xã, liên bản ở vùng cao biên giới). Hay như việc thường xuyên tổ chức các lễ hội, như: Lễ hội Hoa Ban, Lễ hội Thành Bản Phủ, Lễ hội đua thuyền đuôi én... vừa bảo tồn giá trị truyền thống văn hóa, vừa thúc đẩy sự phát triển các môn thể thao dân tộc. Thông qua phần hội, nhiều môn thể thao dân tộc được đưa vào nội dung thi đấu.

Bên cạnh việc lồng ghép môn thể thao dân tộc vào các lễ hội truyền thống, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung nâng cao chất lượng công tác huấn luyện vận động viên tham gia các giải của khu vực cũng như toàn quốc. Nhờ làm tốt công tác này, vài năm trở lại đây, ở các giải thể thao dân tộc khu vực và toàn quốc, tỉnh Điện Biên đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Riêng trong năm 2022, tỉnh Điện Biên thành lập 3 đoàn vận động viên tham gia các giải thể thao quần chúng ở khu vực và toàn quốc, đạt 64 huy chương; trong đó, 24 huy chương vàng, 23 huy chương bạc và 17 đồng; hầu hết là các môn thể thao dân tộc. Mới đây, tại Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV, tổ chức tại Phú Thọ, đoàn Điện Biên gồm 26 vận động viên, tham gia thi đấu 5 môn: Kéo co, đẩy gậy, tung còn, tù lu, bắn nỏ. Kết thúc giải, đoàn Điện Biên đã giành được 2 huy chương vàng, 1 huy chương bạc môn bắn nỏ; 1 huy chương vàng môn tung còn... Qua đó tiếp tục khẳng định được vị thế của mình ở những môn thể thao dân tộc, vốn là thế mạnh của vùng Tây Bắc.

Nói về công tác gìn giữ, bảo tồn các môn thể thao dân tộc, ông Phạm Trung Hiếu cho rằng, cần đẩy mạnh tổ chức lồng ghép thực hành, tập luyện gắn liền với đời sống, lao động và tập quán của bà con nhân dân trên địa bàn, qua đó đáp ứng nhu cầu vui chơi cũng như luyện tập TDTT của nhân dân.

Có thể nói, việc lồng ghép các môn thể thao dân tộc vào hội thi, hội diễn, các lễ hội... không chỉ nâng tầm vị thế của thể thao Điện Biên đối với các tỉnh trong khu vực mà còn mang ý nghĩa tinh thần sâu sắc, là nguồn động viên khích lệ nhân dân hướng về cội nguồn truyền thống, khoẻ để lao động, sản xuất, học tập; là dịp để nâng cao tình đoàn kết, xây dựng đời sống văn hoá, văn minh tại các khu dân cư, đồng thời giữ gìn và phát huy những giá trị bản sắc văn hoá dân tộc mình.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận

Tin khác

Back To Top