Kinh tếTìm hiểu chính sách thuế

Hỏi đáp về hóa đơn

05:45 - Thứ Tư, 27/04/2022 Lượt xem: 19302 In bài viết

Hỏi: Đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế?

Trả lời:

Theo Điều 91, Luật 38/2019/QH14 và Điều 5, Thông tư số 78/2021/TT-BTC:

Các tổ chức, cá nhân sau là đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế:

- Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

- Doanh nghiệp thuộc đối tượng nêu tại Khoản 2, Điều 91, Luật Quản lý thuế đang sử dụng hoá đơn điện tử không mã có nhu cầu chuyển đổi sử dụng hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.

- Doanh nghiệp rủi ro cao về thuế: Người nộp thuế thuộc đối tượng sử dụng hóa đơn điện tử không có mã theo quy định tại khoản 2, Điều 91, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 nếu thuộc trường hợp được xác định rủi ro cao về thuế theo quy định tại Thông tư số 31/2021/TT-BTC ngày 17/5/2021 của Bộ Tài chính quy định về áp dụng rủi ro trong quản lý thuế và được cơ quan thuế thông báo (Mẫu số 01/TB-KTT Phụ lục IB ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP) về việc chuyển đổi áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế thì phải chuyển đổi sang áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. Trong thời gian mười (10) ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế phát hành thông báo, người nộp thuế phải thay đổi thông tin sử dụng hóa đơn điện tử (chuyển từ sử dụng hóa đơn điện tử không có mã sang hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế) theo quy định tại Điều 15, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và thực hiện theo thông báo của cơ quan thuế.

- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử bao gồm: Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai phải sử dụng hóa đơn điện tử; Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán nếu có yêu cầu sử dụng hóa đơn thì cơ quan thuế cấp lẻ hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh khai thuế theo từng lần phát sinh nếu có yêu cầu sử dụng hóa đơn thì cơ quan thuế cấp lẻ hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh.

Hỏi: Thế nào là hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế? Thế nào là hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế? Mã cơ quan thuế trên hóa đơn? Hóa đơn điện tử là gì và có bao nhiêu hình thức hóa đơn điện tử?

Trả lời:

- Theo Khoản 2, Điều 3, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP thì:

Hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử do tổ chức bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua không có mã của cơ quan thuế.

Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế là hóa đơn điện tử được cơ quan thuế cấp mã trước khi tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi cho người mua. Mã của cơ quan thuế trên hóa đơn điện tử bao gồm số giao dịch là một dãy số duy nhất do hệ thống của cơ quan thuế tạo ra và một chuỗi ký tự được cơ quan thuế mã hóa dựa trên thông tin của người bán lập trên hóa đơn.

- Theo Khoản 2, Điều 3, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định có 2 hình thức hóa đơn điện tử: Hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, Hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế.

Hỏi: Doanh nghiệp chúng tôi có trụ sở trên địa bàn tỉnh Điện Biên thì quy định bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử vào thời gian nào?

Trả lời:

Căn cứ khoản 1, 2, 3 Điều 59 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ quy định:

“1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2022, khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Nghị định này trước ngày 1/7/2022.

2. Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, Nghị định  số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/1/2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ tiếp tục có hiệu lực thi hành đến ngày 30/6/2022.

3. Bãi bỏ khoản 2 và khoản 4, Điều 35 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử kể từ ngày 1/11/2020.”

Căn cứ quy định nêu trên:

Nghị định số 123/2020/NĐ-CP sẽ có hiệu lực áp dụng từ ngày 1/7/2022 và khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin áp dụng quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Nghị định này trước ngày 1/7/2022.

Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, Nghị định số 04/2014/NĐ-CP và Nghị định số 119/2018/NĐ-CP tiếp tục có hiệu lực thi hành đến hết ngày 30/6/2022.

Bãi bỏ Khoản 2 và 4 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP về việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử từ ngày 1/11/2020.

Hỏi: Tính ưu việt của việc sử dụng hóa đơn điện tử đối với doanh nghiệp?

Trả lời:

Sử dụng hóa đơn điện tử giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cụ thể:

+ Giúp doanh nghiệp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy (giảm chi phí giấy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn, không cần không gian lưu trữ hóa đơn...)

+ Giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế.

+ Khắc phục rủi ro làm mất, hỏng, cháy khi sử dụng hóa đơn giấy. Việc sử dụng hóa đơn điện tử sẽ khắc phục được tình trạng này do hệ thống lưu trữ hóa đơn điện tử được sao lưu và thường xuyên cập nhật nên khả năng mất hoàn toàn dữ liệu hóa đơn là khó xảy ra.

+ Tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ: sau khi nhận hóa đơn điện tử, người mua hàng hóa, dịch vụ có thể kiểm tra ngay trên hệ thống của cơ quan thuế để biết chính xác thông tin người bán cung cấp cho người mua. Bên cạnh đó, với việc hệ thống của cơ quan thuế ngừng không cho doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích được xuất hóa đơn sẽ hạn chế việc người mua sử dụng phải hóa đơn của các doanh nghiệp này.

T.K
Bình luận
Back To Top