Đa sắc màu các miền di sản và danh thắng Việt Nam

10:27 - Thứ Ba, 23/04/2024 Lượt xem: 2158 In bài viết

ĐBP - Những ngày này, đến với TP. Điện Biên Phủ, du khách không chỉ được hòa mình vào lịch sử hào hùng của dân tộc mà còn “du lịch” qua các tỉnh thành, thưởng lãm những đặc sản, sắc màu riêng có của từng địa danh. Đó là trải nghiệm tại không gian Triển lãm “Du lịch qua các miền di sản và danh thắng Việt Nam” đang diễn ra.

Người dân và du khách tham quan không gian trưng bày của tỉnh Đắk Lắk.

Triển lãm có sự tham dự của 21 tỉnh, thành phố, giới thiệu các giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên, các danh thắng, di tích lịch sử tiêu biểu, những điểm đến được du khách yêu thích khắp mọi miền đất nước. Bên cạnh đó còn khắc họa nét đẹp truyền thống đặc sắc trong sinh hoạt cộng đồng; quảng bá tiềm năng và các sản phẩm du lịch, nghệ thuật, ẩm thực, sản vật của các địa phương...

Trong những ngày diễn ra sự kiện, nhân dân Điện Biên và du khách được thưởng lãm 300 bức ảnh đẹp của các nhiếp ảnh gia về các di sản đã được UNESCO vinh danh, danh lam thắng cảnh nổi tiếng và cuộc sống sinh hoạt văn hóa đặc trưng của các vùng, miền trên cả nước; được tìm hiểu về trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam trong cuộc sống hằng ngày, lễ hội, nghi lễ...

Các khách tham quan nhí thích thú bộ đàn đá với âm thanh trong trẻo, thánh thót đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Khánh Hòa.

Từ Tây Nguyên, các nghệ nhân tỉnh Gia Lai lên với mảnh đất Tây Bắc – Điện Biên. Đây cũng là chuyến đi giao lưu, quảng bá văn hóa dân tộc xa nhất của hầu hết nghệ nhân Gia Lai, trong đó có ông Ra Chăm Klunh, huyện Chư Păh. Sau khi biểu diễn, trán đẫm mồ hôi, ông Klunh vẫn cười thật tươi và hồ hởi chia sẻ: “Điện Biên xa thật, chúng tôi đi hết 2 ngày 1 đêm, nhưng khi đến đây được người dân, du khách quan tâm tìm hiểu, ủng hộ các tiết mục, tôi thấy rất vui và không còn mệt mỏi gì cả. Tôi cùng các nghệ nhân khác mang văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, trang phục đặc trưng và lễ hội truyền thống đâm trâu (một trong những lễ hội lớn của buôn làng để tạ ơn thần linh và mong cầu một năm mới ấm no, mạnh khỏe) của người Jrai đến giới thiệu”.

Người dân, du khách cùng các nghệ nhân tỉnh Điện Biên nắm tay nhau trong vòng xòe.

Ngoài tham gia giao lưu chung, ông Ra Chăm Klunh cùng đoàn nghệ nhân tỉnh Gia Lai còn biểu diễn 1 chương trình nghệ thuật riêng mang tên “Âm vang Tây Nguyên trong lòng Điện Biên”. Tại đây du khách được hòa mình vào những điệu múa, những tiết tấu muôn vàn cung bậc, trong văn hóa cồng chiêng độc đáo của núi rừng Tây Nguyên - loại hình văn hóa đã được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

Tại triển lãm còn có rất nhiều không gian giới thiệu di sản văn hóa, điểm đến du lịch của các tỉnh, thành. Mỗi nơi đều mang màu sắc riêng, được sắp xếp, trang trí theo đặc trưng địa phương. Không gian trải nghiệm tỉnh Thừa Thiên Huế thu hút nhiều du khách tham quan, trải nghiệm với những lồng đèn, nón lá, thưởng trà mang màu sắc cung đình. Ông Dương Đình Hậu, đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ: “Chúng tôi mang nét Huế đến với triển lãm này thông qua các hình ảnh di sản văn hóa, mô phỏng cổng cung đình Huế và cổ phục. Ngoài ra còn có những sản phẩm, sản vật đặc trưng, gắn liền với Huế như: Nón bài thơ, nón lá sen và các sản phẩm từ sen...”

Nhân viên Công ty Cổ phần Điêu khắc ánh sáng Đại Việt giới thiệu cho khách tham quan một phần hình ảnh của tác phẩm nghệ thuật “Người chiến sĩ Điện Biên”.

Một không gian khác nhận được nhiều sự khen ngợi, trầm trồ của người tham quan, đó là khu trưng bày và trình diễn nghệ thuật điêu khắc ánh sáng. Qua bàn tay và sự sáng tạo của nghệ nhân Bùi Văn Tư, nghệ thuật thủ công truyền thống Việt Nam được kết hợp với ánh sáng tạo ra những tác phẩm độc đáo. Tại đây, du khách được chiêm ngưỡng 3 tác phẩm nổi bật gắn với hình ảnh Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên, có tên: Tự hào Việt Nam; Chiến thắng Điện Biên Phủ; và Người chiến sỹ Điện Biên.

Du khách tham quan triển lãm ảnh đẹp các di sản, danh thắng Việt Nam.

Nghệ nhân Bùi Văn Tự, Công ty cổ phần Điêu khắc ánh sáng Đại Việt, chia sẻ: “Đến với triển lãm ngày hôm nay, thông qua nghệ thuật điêu khắc ánh sáng, tôi “kể” lại về một chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, sự đồng lòng của toàn dân tộc, sự chỉ đạo sáng suốt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Qua đó mong muốn lan tỏa niềm tự hào, tinh thần dân tộc, trong dịp đặc biệt hướng đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ này”.

Du khách chụp ảnh lưu niệm với nghệ nhân, thành viên đoàn tỉnh Gia Lai.

Cùng con trai hòa mình vào không gian Triển lãm, chị Phan Nhung (TP. Điện Biên Phủ) chia sẻ: “Mỗi tỉnh có nét đẹp riêng thu hút và ấn tượng. Cháu nhà tôi rất thích âm nhạc từ đá của không gian tỉnh Khánh Hòa, văn hóa mảnh đất Tây Nguyên của tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk. Tôi thì đặc biệt thích các tác phẩm điêu khắc ánh sáng, các món bánh truyền thống từ thốt nốt của An Giang. Mong rằng có nhiều chương trình như này để người dân Điện Biên được xem, thưởng ngoạn và “du lịch” tại chỗ.

Không gian trải nghiệm văn hóa di sản tỉnh Thừa Thiên Huế rực rỡ sắc màu.

Cùng với các không gian trải nghiệm, tham quan, Triển lãm “Du lịch qua các miền di sản văn hóa và danh thắng Việt Nam” còn diễn ra nhiều chương trình giao lưu, biểu diễn nghệ thuật quảng bá, giới thiệu nét đẹp các vùng miền, dân tộc, như: Cồng chiêng Tây Nguyên, nghệ thuật hát bài chòi, hát trống quân, chèo, xòe Thái... Với các hoạt động đó, Triển lãm đã chiêu đãi du khách tham quan một “bữa tiệc” di sản văn hóa thịnh soạn, đáng nhớ.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top