Mường Chà chủ động phòng trừ dịch châu chấu gây hại cây trồng

16:32 - Thứ Năm, 17/08/2017 Lượt xem: 9438 In bài viết
ĐBP - Cuối tháng 7, châu chấu tre lưng vàng bắt đầu xuất hiện và gây hại cây trồng trên địa bàn huyện Mường Chà. Xác định quần thể châu chấu tre rất khó kiểm soát, dễ bùng phát thành dịch; khả năng gây hại với tốc độ khá nhanh, vì vậy, huyện Mường Chà đã chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng với người dân thực hiện nhiều giải pháp chủ động phòng trừ dịch bệnh, giảm thiệt hại cây nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Ma Thì Hồ là một trong những địa phương bị châu chấu tre gây hại nhiều nhất. Không chỉ gây hại trên tre, các cây họ tre, châu chấu còn phát sinh và gây hại nhẹ trên diện tích khoảng 3ha ngô, lúa nương của người dân, tập trung chủ yếu tại 2 bản: Hua Chim 2 và Huổi Chua (xã Ma Thì Hồ). Trao đổi với chúng tôi, ông Mùa A Dơ, Phó Chủ tịch UBND xã Ma Thì Hồ, cho biết: Sau khi nhận được thông tin châu chấu tre lưng vàng xuất hiện trên địa bàn, chính quyền xã đã báo cáo với các cơ quan chức năng để có biện pháp phòng trừ dịch hại phát tán. Đồng thời phát động người dân cùng tham gia dập dịch bằng cách vận động, tuyên truyền bà còn thường xuyên thăm rừng, nương nhằm phát hiện các ổ dịch, báo cho chính quyền xã, cơ quan chuyên môn để có biện pháp phòng trừ.

 

Cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Mường Chà kiểm tra tình hình gây hại của châu chấu tre lưng vàng trên cây ngô ở xã Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà).

Về phía các cơ quan chuyên môn, để kịp thời ngăn chặn châu chấu lây lan nhanh, trưởng thành và gây hại trên diện tích lớn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Bảo vệ thực vật huyện đã cử cán bộ xuống kiểm tra tình hình phát triển của châu chấu tre lưng vàng và hướng dẫn nông dân kịp thời phun thuốc diệt trừ trên những diện tích ngô, lúa mới chớm nhiễm bệnh. Do châu chấu thường phân bố chủ yếu trên các khu rừng tre tự nhiên, địa hình đồi núi phức tạp, rậm rạp khiến việc kiểm tra, phát hiện các ổ ấu trùng châu chấu tre và việc phun phòng trừ gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, thời tiết mưa nhiều nên việc phun trừ hiệu quả chưa cao. Mặc dù có nhiều khó khăn trong việc dập dịch châu chấu nhưng huyện Mường Chà đã tập trung vào công tác tuyên truyền, tập trung chỉ đạo quyết liệt để hạn chế tối đa sự phát sinh, phát triển của các ổ dịch.

Chia sẻ về một số đặc tính của châu chấu và các biện pháp phòng trừ dịch hại, bảo vệ cây trồng, anh Trần Quốc Luyện, Phó trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Mường Chà, cho biết: Châu chấu bắt đầu xuất hiện từ cuối tháng 6, cao điểm vào giữa tháng 7 đến đầu tháng 8. Trong thời gian ăn bổ sung, châu chấu hoạt động mạnh, sức gây hại lớn, di chuyển nhanh và thành từng đàn, có thể ở trên khu vực trồng cây luồng, tre, trúc, cũng có thể gây hại trên khu vực trồng cây nông nghiệp (lúa, mía, ngô). Khi nguồn thức ăn cạn, châu chấu di chuyển đi nơi khác và hướng di chuyển của quần thể thường trùng với hướng gió; vì vậy những khu ruộng ven chân đồi, nơi hứng gió hay bị hại nặng hơn.

Thời gian qua, dịch châu chấu tre lưng vàng đã gây hại cây trồng trên địa bàn huyện Điện Biên, Nậm Pồ… Cuối tháng 7, châu chấu tre di chuyển sang gây hại ở các xã Na Sang, Mường Mươn và Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà); đến đầu tháng 8 tiếp tục di chuyển đến xã Huổi Mí và gây hại nhẹ trên tre, các cây họ tre. Để khống chế dịch châu chấu lưng vàng, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã cung cấp thuốc bảo vệ thực vật để phun trừ ngay sau khi phát hiện ổ dịch. Chính quyền địa phương đã phân công cán bộ khuyến nông xã theo dõi diễn biến tình hình; đồng thời tuyên truyền, phổ biến nguy cơ gây hại của châu chấu tre đến cây trồng nông nghiệp để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong quản lý, phòng trừ dịch hại. Các cơ quan chuyên môn triển khai công tác giám sát, quản lý hướng di chuyển, khu vực gây hại, xác định khu vực di trú, vị trí đẻ trứng tập trung của châu chấu tre để hạn chế dịch bùng phát trên diện rộng. Khi phát hiện trứng nở, sử dụng thuốc hóa học vị độc, tiếp xúc (thuốc Rockfos 550EC hoặc Victory 585EC) để xử lý, phun tập trung tại các ổ châu chấu, không phun tràn lan.

Thời gian tới, quần thể châu chấu tre có thể hoạt động rộng, gây hại mạnh trên cây tre, sặt, chít, ngô và lúa nương; vì vậy cơ quan chức năng khuyến cáo người dân tiếp tục theo dõi, phát hiện kịp thời các ổ dịch, chủ động tổ chức phun trừ dập dịch kịp thời để bảo vệ cây trồng, hạn chế thiệt hại do châu chấu tre lưng vàng gây ra.

Bài, ảnh: Quang Hưng
Bình luận
Back To Top