Him Lam “nở hoa”

08:05 - Thứ Sáu, 11/03/2022 Lượt xem: 4677 In bài viết

ĐBP - Him Lam - địa danh nổi tiếng, gắn liền với trận mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ (13/3/1954). Trải qua bao thăng trầm, giờ đây Him Lam không chỉ là nơi gìn giữ lịch sử mà vươn lên trở thành một trong những phường trung tâm văn minh, hiện đại, ngày càng phát triển của TP. Điện Biên Phủ. Để có được một đô thị như ngày hôm nay là công sức, cống hiến của biết bao thế hệ cán bộ, nhân dân trên địa bàn.

Đường 60m được đưa vào sử dụng tạo diện mạo mới khang trang, hiện đại cho TP. Điện Biên Phủ nói chung, phường Him Lam nói riêng.

Qua những thăng trầm

Tháng 11/1953, từ trên trời, quân Pháp nhả hàng loạt đạn càn quét khắp thung lũng Mường Thanh, rồi nhảy dù xuống chiếm đóng. Chúng bắt bớ trai tráng bản địa đi lính, phu đào công sự, ép các cô gái trẻ vào đồn phục dịch; dồn dân vào các trại tập trung, ở trong điều kiện chật hẹp, đói rét, mất vệ sinh và dịch bệnh. Còn chúng cướp của cải, trâu, bò, lợn, gà; hạ hàng trăm ngôi nhà sàn để lấy gỗ gia cố hầm hào, rồi phóng hỏa thiêu rụi những gì còn sót lại, xóa sổ các bản làng. Cộng đồng dân tộc tại địa bàn Him Lam ngày ấy cũng không thoát cảnh li tán, bi thương.

Trước sự hung hăng, tàn ác, kiêu căng của quân Pháp, quân đội ta đã chuẩn bị chu đáo nhân lực, vật lực, tinh thần quyết chiến quyết thắng đánh tan pháo đài mà chúng cho là “bất khả xâm phạm”. Mở màn 17 giờ ngày 13/3, quân ta nổ súng vào Trung tâm Đề kháng Him Lam - nơi mà Pháp rêu rao là “cánh cửa thép”. Chiến sĩ Điện Biên Bùi Kim Điều (hiện sinh sống tại tổ 9, phường Him Lam) khi ấy thuộc biên chế C4, E165, F312, tham gia trận mở màn đánh vào căn cứ Him Lam của địch. Ông Điều kể lại: Máy bay địch bay khắp nơi rải truyền đơn và phát loa rằng Điện Biên Phủ là “pháo đài bất khả xâm phạm”, Him Lam là “cối xay thịt”. Nhưng đã chọn con đường cách mạng thì chúng tôi đi theo đến cùng, không nghĩ đến sống chết mà quyết chiến giành lại độc lập dân tộc.

Lặng đi một lúc để kìm lại cảm xúc trước những mất mát, đau thương của chiến tranh, ông Điều tiếp tục kể: “Chiều ngày 13/3 khai hỏa chiến dịch, loạt đạn đầu tiên của quân ta trúng đích làm địch bị tê liệt, hoang mang. Sau 3 loạt pháo, địch chống trả yếu ớt, chúng tôi chia 2 mũi tấn công, đánh bộc phá hàng rào dây thép gai của địch, mở đường ồ ạt tiến lên. Lúc này khói bay mù mịt, tai ù đi vì tiếng bom đạn nhưng vẫn xông lên. Đến nửa chừng đồi còn 1 cứ điểm địch có lô cốt xả đạn mạnh, đơn vị tôi thương vong không ít. Anh Phan Đình Giót dùng băng đạn cuối cùng vừa bắn vừa lao thẳng vào lấp lỗ châu mai, dập tắt hỏa điểm của địch. Quân ta nhanh chóng xông lên tiêu diệt địch, giành chiến thắng mở màn, có vai trò quyết định trong thành công của Chiến dịch”.

Sau Chiến dịch, được bộ đội giúp đỡ, nhân dân vùng lòng chảo đưa nhau về bản cũ an cư. Từ đống hoang tàn đổ nát, bà con Him Lam bắt tay vào dựng nhà ở tạm, cải tạo ruộng vườn. Những lớp học xóa mù chữ cũng được mở ra. Ngay dưới chân đồi Him Lam còn đầy những bom mìn, cuộc sống nhanh chóng hồi sinh. Đến những năm 2000, cùng với sự phát triển chung của tỉnh nhà, Him Lam chuyển mình. Từ một vùng nông nghiệp, sống tự cung, tự cấp, dân cư thưa thớt, cơ sở hạ tầng vô cùng thiếu thốn. Người dân Him Lam dần thay đổi tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa, các ngành nghề kinh doanh, thương mại cũng phát triển.

Ông Đào Quang Hoan, Bí thư Đảng ủy phường Him Lam giai đoạn 2000 - 2010 kể lại: “Nghị quyết xuyên suốt được phường chú trọng xây dựng, thực hiện trong thời gian đó là về xóa đói giảm nghèo, hướng đến phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân. Các cấp, ngành đã vào cuộc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân trồng trọt, chăn nuôi, tăng năng suất và nhân rộng mô hình, từ việc làm manh mún, chỉ phục vụ cho gia đình đã chuyển sang xuất bán. Dần dần có nhiều nhà làm trang trại, mô hình VAC. Đời sống nhân dân thay đổi tích cực, thu nhập nâng lên nhiều, hộ đói nghèo giảm nhanh”.

Diện mạo mới

Trải qua nhiều thăng trầm, ngày nay Him Lam đang tiến tới là một đô thị văn minh, hiện đại. Đặc biệt năm 2021 vừa qua có nhiều thành quả tạo dấu ấn, thay đổi diện mạo đô thị nơi đây. Trong đó không thể không kể đến việc cơ bản hoàn thành các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh tại phường là Dự án Đường 60m và Hạ tầng kỹ thuật khung. Đồng thời triển khai công bố, thực hiện nhiều quy hoạch đô thị chi tiết trên địa bàn. Ngoài ra, năm 2021, tình hình kinh tế phường phát triển khá, hoàn thành 13/13 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đảng ủy phường đã đề ra. Kế hoạch giảm nghèo nhanh và bền vững tiếp tục được triển khai thực hiện, hiện nay phường chỉ còn 2 hộ nghèo (chiếm 0,02%). Cơ cấu kinh tế giữ vững đúng định hướng: Tỷ trọng thương mại - dịch vụ - du lịch chiếm 65,5%; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng chiếm 33,5%; nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 1%. Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch có giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng vẫn đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Trong giai đoạn mới, phường Him Lam tiếp tục xác định nhiều mục tiêu, nhiệm vụ để xây dựng phường ngày càng phát triển. Ông Trần Văn Sinh, Bí thư Đảng ủy phường cho biết: “Là địa bàn trung tâm TP. Điện Biên Phủ, phường Him Lam định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung phát triển phát triển du lịch với dịch vụ - thương mại. Phường cũng đã ban hành nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực này. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch; vận động nhân dân thu hút nguồn vốn, đa dạng các hình thức đầu tư, hình thành các điểm kinh doanh dịch vụ, thu hút khách tham quan, du lịch”. Cùng với đó, thực hiện lập và tiếp tục tranh thủ thu hút các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; triển khai thực hiện tốt các dự án xây dựng trên địa bàn do phường làm chủ đầu tư; tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn.

Những khó khăn dần đi qua, Him Lam ngày nay đã khoác “chiếc áo mới” khang trang, đẹp đẽ, hiện đại. Những người từng gắn bó, dựng xây Him Lam thêm an tâm, tin tưởng mảnh đất lịch sử năm xưa sẽ còn phát triển hơn nữa, không phụ công sức, cống hiến của thế hệ đi trước.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top