Giải quyết chế độ ốm đau cho gần 10 triệu lượt người/năm

06:06 - Thứ Bảy, 24/02/2024 Lượt xem: 2834 In bài viết

Theo các quy định của pháp luật hiện hành, người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) là đối tượng hưởng chế độ ốm đau.

Người lao động sẽ nhận về chế độ này khi không may bị ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc mà không phải là tai nạn lao động (người bị tai nạn lao động hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp); cũng không thuộc trường hợp ốm đau, tai nạn do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hay sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy.

Người lao động tham gia BHXH bắt buộc sẽ được hưởng chế độ khi không may bị ốm đau.

Tình trạng ốm đau, tai nạn phải có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh. Ngoài ra, người lao động được hưởng chế độ ốm đau khi phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau. Việc con bị ốm, đau cũng cần có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền.

Tùy từng trường hợp, mức độ bị ốm đau, thời gian tham gia BHXH, mà người lao động có thời gian được nghỉ làm và hưởng chế độ ốm đau khác nhau. Số ngày nghỉ tối đa không quá 60 ngày làm việc/năm nếu đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên đối với người lao động làm việc trong điều kiện bình thường, không quá 70 ngày làm việc/năm nếu đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên đối với người lao động làm những công việc nặng nhọc, độc hại.

Người nghỉ làm do mắc bệnh thuộc danh mục cần chữa trị dài ngày nghỉ tối đa 180 ngày/năm. Hết thời gian 180 ngày, mà người lao động vẫn cần điều trị, thì được nghỉ tiếp thời gian bằng thời gian đã đóng BHXH theo quy định.

Theo BHXH Việt Nam, chế độ ốm đau theo các quy định hiện hành có thêm nhiều quyền lợi so với những năm trước đó. Đặc biệt, danh mục các bệnh điều trị dài ngày hưởng chế độ ốm đau chỉ có 11 loại bệnh vào năm năm 1995, tăng lên đến 332 bệnh vào năm 2023. Nhờ quyền lợi mở rộng, số người thụ hưởng tăng đều hằng năm. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm, các cơ quan chức năng giải quyết chế độ ốm đau cho gần 10 triệu lượt người.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top