Phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

08:01 - Thứ Hai, 27/06/2022 Lượt xem: 6238 In bài viết

ĐBP - Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh nhiễm vi rút cấp tính do muỗi vằn truyền, là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mọi người đều có thể mắc bệnh từ trẻ sơ sinh cho đến người lớn. Hiện nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng nên có thể dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy, người dân cần chủ động các biện pháp phòng, chống bệnh để hạn chế mắc và lây lan trong cộng đồng.

Cán bộ Trung tâm Y tế TP. Điện Biên Phủ phun thuốc khử trùng tại xã Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ).

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong tháng 6, tại TP. Điện Biên Phủ phát hiện 1 ca mắc SXH sau khi di chuyển về từ TP. Hồ Chí Minh, người bệnh có biểu hiện sốt nên đã vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám, sau khi test nhanh cho thấy bệnh nhân mắc SXH, hiện bệnh nhân đã được điều trị khỏi và xuất viện. Đây là ca bệnh được ghi nhận đầu tiên trong tỉnh và có nguồn gốc lây nhiễm từ tỉnh thành khác, không có nguy cơ lây lan thành dịch tại tỉnh. Để làm tốt công tác phòng, chống bệnh SXH, ngay từ đầu năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống với sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng, chống dịch bệnh; giám sát chặt chẽ tình hình dịch tại địa phương, khoanh vùng, xử lý kịp thời. Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, hóa chất phòng, chống dịch; bố trí và ổn định nhân lực tham gia hoạt động phòng, chống dịch SXH; cung cấp thông tin, tập huấn kỹ năng giám sát, xử lý ổ dịch cho nhân viên y tế và các lực lượng khác tham gia công tác phòng, chống dịch ở địa phương. Tuy nhiên, số ca mắc bệnh SXH đang có dấu hiệu tăng tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Tỉnh Nghệ An chỉ trong đầu tháng 6 đã có 14 ca, Hà Tĩnh 5 ca nghi SXH được theo dõi và điều trị. Vì vậy, việc chủ động phòng chống bệnh SXH luôn cần thiết và đòi hỏi sự quan tâm, vào cuộc của toàn xã hội.

Bệnh SXH không lây truyền trực tiếp từ người sang người mà do muỗi đốt người bệnh có mang vi rút sau đó truyền vi rút sang người lành qua vết đốt. Nếu phát hiện sớm ca bệnh, điều trị đúng và kịp thời sẽ hạn chế được số ca tử vong. Biểu hiện của bệnh là sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 - 7 ngày và có thể xuất hiện chấm, mảng xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn, da sung huyết, phát ban, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt. Ở thể nặng khi có thêm các dấu hiệu vật vã, lừ đừ, li bì, đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan, nôn nhiều, xuất huyết niêm mạc, tiểu ít, chảy máu chân răng, vết bầm chỗ tiêm, chân tay lạnh… Trường hợp nặng, người bệnh bị sốc hoặc xuất huyết nặng, suy đa tạng, có thể tử vong.

Để phòng bệnh SXH, cách tốt nhất là chủ động các biện pháp tiêu diệt muỗi vằn, tiêu diệt bọ gậy loăng quăng tại nơi sinh sống như: Đậy kín, thả cá ăn bọ gậy vào trong các dụng cụ chứa nước ăn uống sinh hoạt; lật úp các dụng cụ chứa nước (xô, chậu, bát, máng nước…) khi không sử dụng; thu dọn rác, kể cả dụng cụ chứa nước tự nhiên, nhân tạo cho vào túi rồi chuyển tới nơi thu gom phế thải của địa phương hoặc chọc thủng, hủy bỏ bằng chôn, đốt, phủ kín bạt để không đọng nước mưa; xử lý bằng hóa chất diệt loăng quăng ở những nơi đọng nước; giữ gìn vệ sinh môi trường nơi sinh sống, ngủ nằm màn tránh muỗi đốt kể cả ban ngày… Đặc biệt, cần đến ngay cơ sở y tế khi có các triệu chứng nghi SXH để được khám, tư vấn, không nên tự ý điều trị tại nhà.

Bài, ảnh: Thùy Trang
Bình luận

Tin khác

Back To Top