Không chủ quan với bệnh dại

07:45 - Thứ Hai, 17/10/2022 Lượt xem: 7905 In bài viết

ĐBP - Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, ngày 2/10/2022, trên địa bàn tỉnh ghi nhận một trường hợp tử vong do bệnh dại. Bệnh nhân V.N.C (63 tuổi) tại bản Nậm Pố 1 (xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé).

Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng tư vấn điều trị cho bệnh nhi nghi bị chó dại cắn.

Theo đó, ngày 30/9, bệnh nhân có biểu hiện sợ nước, sợ gió, đau mỏi khắp người, sốt nhẹ. Bệnh nhân được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám điều trị với tình trạng phù nhẹ 2 chân, có biểu hiện sợ gió, sợ nước, đau mỏi khắp người, được các bác sĩ chẩn đoán theo dõi bệnh dại. Đến 17 giờ ngày 2/10 bệnh nhân hốt hoảng kêu la, sợ nước, sợ ánh sáng, tăng tiết đờm rãi. Sau đó, gia đình xin đưa bệnh nhân về, đến 23 giờ cùng ngày, bệnh nhân tử vong tại nhà.

Gia đình bệnh nhân cho biết, khoảng 20 ngày trước khi khởi phát, bệnh nhân bị chó cắn vào lòng bàn tay bên phải, có 2 vết răng nông chảy máu ít. Sau khi bị chó cắn bệnh nhân không xử lý vết thương, không đến cơ sở y tế. Con chó cắn bệnh nhân là chó của gia đình khoảng 2 tháng tuổi, chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Sau khi cắn bệnh nhân 3 ngày thì con chó chết.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm, có tỷ lệ tử vong cao. Thời gian ủ bệnh thường từ 1 - 3 tháng. Bệnh do vi rút dại thuộc họ Rhabdoviridae lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ chó và mèo. Vi rút xâm nhập vào cơ thể qua các vết cắn, vết liếm, vết cào, da, niêm mạc bị tổn thương, vết thương hở. Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu; chỉ có thể điều trị dự phòng bằng vắc xin và huyết thanh ngay sau khi bị phơi nhiễm tùy theo từng mức độ tổn thương. Tiêm phòng vừa là biện pháp dự phòng vừa là biện pháp điều trị duy trì để có thể cứu sống bệnh nhân khi bị súc vật dại cắn.

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Đức Tài, Phó Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Các trường hợp sau khi bị chó, mèo cắn, cào cần phải xử trí sơ bộ bằng cách: Rửa vết thương dưới vòi nước chảy càng sớm càng tốt; rửa bằng các thuốc diệt khuẩn như: Cồn iode; cồn hoặc rượu có nồng độ cao; chất khử trùng có sẵn trong nhà như dầu gội, sữa tắm, xà phòng... Không sờ vào vết thương bằng tay không; không cho các chất kích thích (ớt, dầu, lá thơm, phấn, lá trầu không...) lên vết thương. Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại kịp thời. Nhốt hoặc xích động vật (nếu có thể) để theo dõi trong vòng 10 ngày.

Để phòng chống bệnh dại hiệu quả, mỗi gia đình, cá nhân cần quản lý tốt đàn vật nuôi của gia đình, tiêm phòng dại định kỳ đầy đủ; không tiếp xúc với con vật bị dại, nghi dại; không mua bán, vận chuyển chó mèo ra, vào vùng dịch. Khi phát hiện hay nghi động vật bị dại, cần báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y tại địa phương để có biện pháp tiêu hủy chó mèo bị dại. Đồng thời, các cơ sở y tế cần đảm bảo đầy đủ nguồn vắc xin, huyết thanh, đáp ứng việc phòng ngừa, điều trị cho người dân khi bị chó, mèo nghi dại cắn...

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top