Video

Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông Hoa

Nét văn hóa phi vật thể quốc gia

Thứ Năm, 07/06/2018 14:30 Lượt xem: 6362 In bài viết

ĐBP - Để gìn giữ nghề thủ công truyền thống, bao đời nay, người Mông Hoa ở xã Sa Lông (huyện Mường Chà) vẫn thêu, trang trí bằng cách chắp vải màu, vẽ sáp ong trên trang phục truyền thống. Đó là nét đẹp, sự độc đáo rất riêng của người Mông Hoa ở nơi đây, mà không thể lẫn với kiểu trang trí của các dân tộc khác.


Đến xã Sa Lông, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ Mông Hoa ngồi thêu hoa văn trên vải dưới hiên nhà hay ngay ven đường. Tranh thủ những lúc nông nhàn, họ lại đem vải ra thêu. Đôi bàn tay khéo léo đưa từng đường kim, mũi chỉ lên xuống nhịp nhàng và uyển chuyển, thể hiện sự thuần thục, tỉ mỉ nâng niu từng chi tiết của người phụ nữ Mông Hoa. Để làm được điều đó, từ khi còn rất nhỏ, họ đã được các bà, các mẹ cầm tay chỉ bảo từng đường kim mũi chỉ, để khi trưởng thành có thể khéo léo và thuần thục tạo hình, trang trí hoa văn; điêu luyện trong kỹ thuật triết nếp, khâu đột, khâu luồn sợi, khâu vắt.

Để làm ra một bộ trang phục hoàn chỉnh, người phụ nữ Mông Hoa phải thêu trong khoảng thời gian một năm mới hoàn thành. Tuy mất nhiều thời gian, công sức, nhưng đây là loại hình tri thức dân gian, nghệ thuật dân gian đặc sắc, với kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong, thêu hoa văn trên trang phục truyền thống nên đã được người dân nơi đây duy trì và lưu giữ từ ngàn đời nay. Váy áo, thắt lưng, khăn cuốn đầu, xà cạp… đều được người phụ nữ Mông Hoa thêu, trang trí bằng chắp vải màu, vẽ sáp ong với các hình chữ thập, chữ đinh kết hợp với ô hình quả trám, tam giác, vô cùng độc đáo và bắt mắt. Đó là những chi tiết được hình thành từ trí tưởng tượng phong phú của mỗi người phụ nữ Mông Hoa mà không phải theo khuôn mẫu nào nhất định.

Mỗi họa tiết, hoa văn trên trang phục của người phụ nữ Mông Hoa đều thể hiện những khát vọng cao đẹp của con người, phản ánh trình độ văn hóa, xã hội và bản sắc văn hóa của những người nghệ nhân Mông Hoa. Dù đứng trước cuộc sống hiện đại với đa dạng các loại trang phục, hình thức đẹp mắt, song người dân và chính quyền các cấp vẫn cùng nhau bảo vệ và phát huy giá trị di sản riêng của dân tộc qua sự tài hoa, tinh tế và khéo léo của người dân địa phương.

Với những giá trị, bản sắc văn hóa đậm nét đó, nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông Hoa ở xã Sa Lông đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật quốc gia. Đó là cơ sở, nguồn động viên thúc đẩy chính quyền, địa phương và người dân tích cực tham gia vào việc bảo tồn, duy trì nghề thủ công truyền thống; để những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc không bị mai một.

Với những lợi thế về sự đa dạng các di sản văn hóa trên địa bàn, bên cạnh việc bảo tồn, các cấp, ngành chức năng cũng cần có giải pháp để khai thác, phát huy các giá trị của di sản văn hóa, biến nó thành nguồn lợi thiết thực trong sự phát triển mọi mặt của đời sống, xã hội. Để các sản phẩm do người dân làm ra không chỉ phục vụ đời sống thường ngày của họ, mà còn được quảng bá rộng rãi, thu hút du khách đến và mua làm quà lưu niệm, hay đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch trải nghiệm trong thời gian tới. Hy vọng rằng, sự kết hợp của di sản văn hóa phi vật thể với di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ và phong cảnh hùng vĩ nơi núi rừng Tây Bắc, sẽ là nền tảng đưa du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của Điện Biên.

Phạm Quang

Back To Top