Xã hộiBiển đảo Việt Nam

Luật Cảnh sát biển Việt Nam là cơ sở pháp lý để thực thi pháp luật trên biển

16:22 - Thứ Hai, 30/10/2023 Lượt xem: 3759 In bài viết

Theo đánh giá của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, sau hơn 4 năm triển khai thi hành, Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân về công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Có hiệu lực từ ngày 1/7/2019, Luật Cảnh sát biển Việt Nam là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình hoàn thiện hệ thống pháp luật về biển đảo của Việt Nam. Để luật định hóa và cụ thể hóa hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Cảnh sát biển, Bộ Quốc phòng cũng đã ban hành Thông tư 15/2019/TT-BQP quy định quy trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của Cảnh sát biển Việt Nam. Theo đó, hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm thực hiện theo nguyên tắc ngăn chặn, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trên biển.

Thiếu tướng Vũ Trung Kiên trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho 1 tập thể và 1 cá nhân vì thành tích xuất sắc trong đấu tranh, phòng chống tội phạm ma tuý.

Sau hơn 4 năm thực thi, Trung tướng Bùi Quốc Oai, Chính ủy Cảnh sát biển cho biết, Luật Cảnh sát biển Việt Nam không chỉ góp phần quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo Tổ quốc mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển, đồng hành cùng bà con ngư dân an tâm ra khơi, bám biển. Đặc biệt, Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã khẳng định cơ sở pháp lý vững chắc để Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự, an toàn, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển đảo của Tổ quốc.

Trung tướng Bùi Quốc Oai khẳng định, sau hơn 4 năm triển khai thi hành Luật Cảnh sát biển, công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị Cảnh sát biển với các đơn vị trong Quân đội cũng như các cơ quan chức năng như: Biên phòng, Hải quan, Công an và các ban, bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thực thi pháp luật trên biển đã được thực hiện chặt chẽ, có nề nếp và hiệu quả hơn.

Luật Cảnh sát biển đã góp phần tạo sự đồng thuận cao, chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức xã hội của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị lực lượng chức năng và tổ chức cá nhân về vị trí, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.

Từ khi Luật Cảnh sát biển có hiệu lực, nổi bật, lực lượng Cảnh sát biển đã tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát người, tàu thuyền, hàng hóa, hành lý trong vùng biển Việt Nam theo quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan. Tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển. Đã trực tiếp tham gia tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và tham gia khắc phục sự cố môi trường biển.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2019-2023, lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 4.490 vụ với 5.730 đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại; 987 vụ với 1.377 đối tượng tội phạm ma tuý; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính, phát mại tài sản nộp ngân sách nhà nước khoảng 1.500 tỷ đồng. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao hiệu quả côgn tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại Cảnh sát biển trong bảo vệ biên giới quốc gia; xây dựng, triển khai Luật Cảnh sát biển; 2 nghị định, 2 nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ; 5 thông tư, 2 quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Theo Cảnh sát biển Việt Nam, thực thi Luật Cảnh sát biển, trong công tác đấu tranh với tội phạm ma tuý trên biển, lực lượng Cảnh sát biển đã tập trung điều tra, xác minh đường dây, ổ nhóm tội phạm ma tuý hoạt đống trên các tuyến biển, lợi dụng tuyến biển để trung chuyển ma tuý đi các địa phương khác, thậm chí ra nước ngoài.

Gần đây nhất, Cảnh sát biển Việt Nam phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh Quảng Trị đấu tranh với đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước ngoài về Việt Nam với số lượng lớn (khoảng 2,077 kg ma túy tổng hợp); phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, liên quan đến một số đối tượng người dân tộc.

Các đối tượng đã khai nhận vận chuyển số ma túy nêu trên từ cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) về cảng Cửa Việt, sau đó một đối tượng khác trong đường dây tiếp tục vận chuyển vào miền nam bằng tàu cá để tiêu thụ.

Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 tuyên truyền Luật Cảnh sát biển cho bà con ngư dân hoạt động trên vùng biển Cồn Cỏ, Quảng Trị.

Để triệt phá đường dây này, Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy số 2 đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh Quảng Trị đã bắt giữ thành công các đối tượng, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, vũ khí trang bị cho lực lượng đánh án.

Cũng theo báo cáo của Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy số 2, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã chủ trì và phối hợp đấu tranh thành công 24 chuyên án, vụ án về ma túy; bắt giữ 31 đối tượng có hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, tang vật thu giữ gồm: 9,346 gram heroin, 0,745 gram + 39.238 viên ma túy tổng hợp; 9 xe máy, 31 điện thoại di động, cùng nhiều tang vật, tài sản khác.

Bên cạnh đó, đơn vị còn tổ chức 14 đợt tuyên truyền pháp luật đến gần 5.850 lượt người, trên 172 phương tiện, tàu thuyền; phát 34.500 tờ rơi tuyên truyền các loại, 3.800 cuốn sách luật; trao 353 suất quà tặng các hộ gia đình, học sinh có hoàn cảnh khó khăn và 6.500 lá cờ Tổ quốc đến bà con ngư dân.

Thiếu tướng Vũ Trung Kiên, Phó Tư lệnh Pháp luật Cảnh sát biển Việt Nam nhấn mạnh, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cũng vô cùng nguy hiểm. Vì vậy, việc phối hợp với các lực lượng chức năng nhằm tăng cường sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy là yêu cầu thiết yếu.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top