Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn về lĩnh vực công thương và tài nguyên - môi trường

18:58 - Thứ Tư, 16/03/2022 Lượt xem: 3972 In bài viết

ĐBP - Ngày 16/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì chất vấn tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương và tài nguyên - môi trường. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn kết nối trực tuyến tại 62 điểm cầu trên cả nước; đây là hoạt động chất vấn đầu tiên được tổ chức tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì tại điểm cầu Điện Biên.

Đại biểu dự phiên chất vấn tại điểm cầu Điện Biên.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Căn cứ quy định về tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định tổ chức chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề: Lĩnh vực công thương liên quan đến trách nhiệm của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, lĩnh vực tài nguyên - môi trường liên quan đến trách nhiệm của Bộ trưởng Trần Hồng Hà. Đây là 2 nội dung chất vấn có phạm vi rộng, ảnh hưởng và tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của Nhân dân; quản lý Nhà nước; liên quan đến nhiều bộ, ngành. Thời gian chất vấn không nhiều, do đó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu trên cơ sở các tài liệu đã được gửi, quá trình công tác, kinh nghiệm thực tiễn, nghiên cứu kỹ, mỗi nhóm vấn đề chất vấn tập trung vào 2 nội dung để đặt các câu hỏi có trọng tâm, phản ánh đúng và trúng vấn đề. Các thành viên Chính phủ được mời dự họp căn cứ vào chức năng nhiệm vụ, phạm vi quản lý, các quy định của pháp luật, thực tiễn hoạt động, tập trung lắng nghe, giải trình thỏa đáng, không né tránh, vòng vo; làm rõ thực trạng, có câu trả lời, đáp án cụ thể, rõ ràng cả trước mắt cũng như định hướng lâu dài đối với những vấn đề mà đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân quan tâm. Trong quá trình trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực và một số bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan sẽ cùng tham gia giải trình. Kết thúc phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về các nội dung nêu trên.

Trong phiên làm việc buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã trả lời 3 nội dung: Tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua; việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19, nhất là mặt hàng nông sản.

Đối với phần chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà đã trả lời các nội dung xoay quanh việc thực hiện nghị quyết và giám sát chuyên đề của Quốc hội liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân; việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai thời gian qua và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này. Việc kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy; xử lý chất thải công nghiệp; vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chất thải liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19; ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt và giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tại các địa phương.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã diễn ra sôi nổi, dân chủ, thu hút sự quan tâm của cử tri và Nhân dân cả nước; từ đó cho thấy việc lựa chọn nội dung chất vấn đúng trúng vấn đề. Đã có tổng số 80 đại biểu đăng ký chất vấn (35 đại biểu chất vấn lĩnh vực công thương, 45 đại biểu chất vấn lĩnh vực tài nguyên – môi trường). Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Công thương cần xây dựng kịch bản đảm bảo cung cầu, cung ứng xăng dầu; có giải pháp tổng thể căn cơ để giải quyết vướng mắc của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Nghiên cứu đề xuất mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ quốc gia về xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia mọi tình huống; tiếp tục điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đảm bảo hài hòa giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục tăng cường thanh tra kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi găm hàng; tăng cường lực lượng kiểm soát thị trường, ngăn chặn tình trạng buôn lậu hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Về lĩnh vực tài nguyên - môi trường, cần khắc phục những vướng mắc hạn chế hiện nay, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất; không để xảy ra tình trạng lợi dụng các phiên đấu giá để trục lợi, đồng thời có chế tài đủ mạnh đối với trường hợp trúng thầu nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ theo cam kết. Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra; kiểm soát chặt chẽ các nguồn nước thải, khí thải; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường...

Trên cơ sở chất vấn của đại biểu Quốc hội và trả lời của các thành viên Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng thư ký Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan chuẩn bị tốt dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua tại đợt 2, phiên họp thứ 9. Ngay sau khi phiên chất vấn và trả lời chất vấn này, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện quyết liệt các cam kết, làm cơ sở để tiếp tục giám sát và thực hiện, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của Nhân dân và cử tri cả nước.

Tin, ảnh: Mai Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top