Tập trung phát triển đô thị Điện Biên

11:02 - Thứ Bảy, 02/04/2022 Lượt xem: 4796 In bài viết

ĐBP - Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 21/11/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XII) về Chương trình phát triển hệ thống đô thị tỉnh Điện Biên (gọi tắt là Nghị quyết số 05-NQ/TU), diện mạo đô thị Điện Biên đã có nhiều đổi thay. Số lượng và chất lượng được nâng cao, kiến trúc đô thị có nhiều đổi mới, khang trang, hiện đại, phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc.

Một góc đô thị TP. Điện Biên Phủ.

Chú trọng quy hoạch

Hiện nay toàn tỉnh có 1 đô thị loại III (TP. Điện Biên Phủ); 1 đô thị tương ứng loại IV (TX. Mường Lay); 5 đô thị là thị trấn huyện lỵ tương ứng đô thị loại V (Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Ảng, Mường Chà, Điện Biên Đông) và 3 khu trung tâm huyện chưa được công nhận đô thị (Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên). Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, Điện Biên đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ công tác quy hoạch tạo động lực cho sự phát triển của các đô thị. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch đi vào chiều sâu; trong đó tập trung triển khai đối với những quy hoạch mang tính chiến lược, định hướng phát triển của tỉnh như: Quy hoạch vùng tỉnh Điện Biên đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng Hàng không Điện Biên giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; nghiên cứu lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050...

Công tác quy hoạch xây dựng đô thị được tỉnh chú trọng, đi trước một bước, góp phần tạo ra nguồn lực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và từng bước chỉnh trang diện mạo của các đô thị. Đây là cơ sở để xây dựng kế hoạch và triển khai các dự án đầu tư, chỉnh trang, phát triển, quản lý trật tự xây dựng đô thị và đất đai, thu hút các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng. Cùng với đó, tỉnh đã ưu tiên bố trí nguồn vốn cho công tác lập quy hoạch xây dựng đô thị. Các quy hoạch được phê duyệt trên địa bàn các đô thị, đặc biệt là đối với đô thị TP. Điện Biên Phủ đã tạo cơ sở, điều kiện cho các nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát để xem xét đề xuất đầu tư các dự án phát triển đô thị, các dự án khu đô thị, như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát, Công ty Cổ phần Flamingo Holding Group...

Đến nay, 100% các đô thị, trung tâm huyện lỵ đã có quy hoạch chung hoặc quy hoạch chung xây dựng điều chỉnh. Công tác lập quy hoạch phân khu, hiện nay được triển khai trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ (phân khu đa chức năng dọc trục đường 60m; phân khu trung tâm thương mại, dịch vụ văn hóa thuộc khu đô thị mới phía Đông thành phố, quy hoạch phân khu trung tâm hiện hữu TP. Điện Biên Phủ...), tỷ lệ phủ quy hoạch phân khu là 36,67%. Đây là cơ sở quan trọng cho việc lập quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị và lập dự án đầu tư xây dựng các công trình. Đối với các đô thị thị trấn Mường Ảng, Tủa Chùa đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch chung và đang tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch; các đô thị thị trấn Mường Chà, huyện lỵ Nậm Pồ các địa phương đang rà soát, xem xét trình UBND tỉnh cho chủ trương điều chỉnh quy hoạch chung.

Việc điều chỉnh quy hoạch chung tại các đô thị dự kiến sẽ mở rộng toàn bộ địa giới hành chính, do đó trong thời gian tới tỷ lệ phủ quy hoạch chung tên địa bàn tỉnh sẽ tăng đáng kể. Đến nay, tỷ lệ phủ quy hoạch chi tiết trên quy hoạch chung toàn tỉnh đạt 42,32% (bao gồm cả vùng lòng hồ sông Đà của TX. Mường Lay).

Diện mạo đô thị mới

Với các chính sách tập trung đầu tư, thu hút phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, đến nay hệ thống mạng lưới giao thông trong các đô thị của tỉnh được đầu tư tương đối đồng bộ, diện mạo đô thị ngày càng khang trang. Mạng lưới đường giao thông trong đô thị của tỉnh đạt gần 242km; trong đó đường bê tông xi măng gần 36,5km, bê tông nhựa 64,6km, đá dăm láng nhựa 84,4km, cấp phối 11,3km. Các tuyến đường đô thị tập trung chủ yếu được triển khai trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, huyện Mường Ảng, Điện Biên.

Cùng với hệ thống giao thông, hạ tầng cấp điện khá hoàn chỉnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu đời sống sinh hoạt của Nhân dân. Đến nay, tỉ lệ đường phố chính đô thị toàn tỉnh được chiếu sáng đạt 97,5%; đường khu nhà ở, ngõ phố được chiếu sáng 85%. Bên cạnh đó, hệ thống cấp thoát nước của các đô thị được đầu tư đồng bộ. Toàn tỉnh có 9 nhà máy, trạm cấp nước sản xuất nước sạch cung cấp cho đô thị với tổng công suất 31.780m3/ngày đêm, tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch đạt 91% với mức cấp bình quân 120 lít/người/ngày đêm. Đối với hệ thống thoát nước, TP. Điện Biên Phủ đã đầu tư xây dựng xong với công suất xử lý nước thải tối đa 10.000m3/ngày đêm; TX. Mường Lay có 5 trạm xử lý nước thải cục bộ tại các điểm, khu dân cư với công suất xử lý 2.890m3/ngày đêm. Đối với các thị trấn, trung tâm huyện lỵ còn lại sử dụng hệ thống thoát nước chung (thoát nước mưa và nước thải vào chung hệ thống) ở các trục cảnh quan và trục chính đô thị.

Ngoài ra, hệ thống công viên cây xanh; thu gom xử lý rác thải; nghĩa trang; đầu tư phát triển hạ tầng xã hội (giáo dục, y tế, văn hóa); phát triển diện tích đô thị, nhà ở dân cư những năm qua cũng được đầu tư đồng bộ. Sự gia tăng của các đô thị giúp diện mạo, cảnh quan các địa phương ngày càng khang trang, hiện đại với nhiều khu nhà ở có chất lượng, thậm chí có công trình đạt quy mô khu vực giúp cho thị trường bất động sản có tốc độ tăng trưởng khả quan, gia tăng cơ hội phát triển dịch vụ lưu trú, du lịch… Qua đó đã tạo vị thế, sức hấp dẫn mới, thu hút các doanh nghiệp tích cực đầu tư.

Tỉnh ta đặt mục tiêu đến năm 2025 có 11 đô thị; trong đó phấn đấu xây dựng TP. Điện Biên Phủ đạt đô thị loại II; TX. Mường Lay đạt tiêu chí đô thị loại IV, trung tâm thị trấn các huyện đạt tiêu chí đô thị loại V trở lên và thành lập 1 đô thị loại V thuộc huyện Điện Biên là đô thị Bản Phủ. Đến năm 2030, thành lập 2 đô thị loại V là đô thị Mường Nhà (huyện Điện Biên) và đô thị A Pa Chải (huyện Mường Nhé). Để quá trình đô thị hóa phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò trụ cột, thúc đẩy phát triển kinh tế, tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn vốn đầu tư để phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch. Trong đó, trọng tâm là đầu tư nâng cấp Cảng Hàng không Điện Biên, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội tại TP. Điện Biên Phủ cũng như các thị trấn, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Đây là một trong ba khâu đột phá chiến lược đã được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top