Kinh tế - xã hội đang có tín hiệu hồi phục tích cực

14:54 - Thứ Hai, 04/04/2022 Lượt xem: 3736 In bài viết

Phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang có tín hiệu phục hồi tích cực, Việt Nam không lỡ nhịp hồi phục trong xu thế chung của thế giới...

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3.

Ngày 4/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022. Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; Bộ trưởng các bộ; Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Tại phiên họp này, Chính phủ tập trung thảo luận về tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2022; tình hình kinh tế-xã hội tháng 3, quý I năm 2022 và những trọng tâm chỉ đạo trong thời gian tới, đặc biệt về tình hình triển khai Nghị quyết 01, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; báo cáo cập nhật kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2021; cùng một số nội dung quan trọng khác về công tác hoàn thiện thể chế.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, tình hình quý I vừa qua đã cho thấy Chính phủ đã dự báo tương đối sát tình hình, với nhận định tình hình sẽ có thuận lợi, cơ hội, khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi. Tình hình trong các tháng 1, 2, 3 đã có những diễn biến mới nhanh, khó lường.

Trong quý I, tình hình ở Ukraine ảnh hưởng đến nhiều mặt đến tình hình kinh tế, xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh trên toàn cầu, tác động đến thị trường năng lượng, tài chính và cung cầu hàng hóa; cạnh tranh nước lớn tiếp tục diễn ra; giá nguyên liệu đầu vào trên thế giới và lạm phát ở nhiều nước tăng cao. Ở trong nước, tình hình dịch bệnh có những diễn biến phức tạp do các biến chủng mới như Omicron, giá nguyên liệu và lạm phát trên thế giới gây áp lực lớn.

Ngoài các nhiệm vụ thường xuyên, chúng ta phải giải quyết các vấn đề tồn đọng, kéo dài nhiều năm, các vấn đề mới xuất hiện do tác động từ tình hình thế giới, các vấn đề đặt ra trong thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phục hồi nhanh, phát triển bền vững, các vấn đề nổi lên như tình hình mưa lũ bất thường ở miền Trung, vấn đề bảo đảm cân đối lớn về điện, năng lượng trong năm 2022 và thời gian tới, việc mở cửa trở lại trường học và du lịch…

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc phiên họp.

Trong bối cảnh tình hình có những diễn biến mới phức tạp, đột xuất, bất ngờ, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự nỗ lực của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp,  kinh tế-xã hội đang hồi phục tích cực, Việt Nam không lỡ nhịp hồi phục trong xu thế chung của thế giới.

Các tổ chức quốc tế đều hạ mức dự báo mức tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 so với dự báo trước đó, việc kinh tế thế giới phục hồi sẽ khó khăn hơn, nhưng nền kinh tế Việt Nam có tín hiệu phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP trong quý I đạt hơn 5%, chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I dưới 2% mặc dù sức ép lạm phát trong và ngoài nước rất lớn.

Thị trường tiền tệ, tài chính ổn định; các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm (thu – chi ngân sách, xuất - nhập khẩu, lương thực thực phẩm, năng lượng, cung cầu lao động). Độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đối ngoại được củng cố và tăng cường, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả; lòng tin của nhân dân, bạn bè, đối tác quốc tế, nhà đầu tư tăng lên. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội rất tích cực theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự nỗ lực của Chính phủ, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế-xã hội đang phục hồi tích cực: kinh tế có mức tăng trưởng khá; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; các cân đối lớn cơ bản được đảm bảo; chính trị ổn định; độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; công tác đối ngoại được tăng cường; lòng tin của nhân dân và sự tin tưởng của bạn bè quốc tế, nhà đầu tư được tăng lên...

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng, vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục có giải pháp thúc đẩy, giải quyết như: giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm; một số chương trình phục hồi được triển khai chưa đạt tiến độ; thị trường chứng khoán, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; xuất nhập khẩu qua cửa khẩu biên giới chưa được giải quyết dứt điểm, triệt để; việc triển khai tiêm vaccine mũi thứ 3 và tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi còn chậm.

Theo Thủ tướng, dự báo tình hình trong thời gian tới có cả thời cơ, thuận lợi, song khó khăn, thách thức nhiều hơn. Do đó, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận, đánh giá tình hình sâu sắc hơn; tìm ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan. Trên cơ sở đó đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp để tập trung thực hiện nhằm khắc phục được những tồn tại, hạn chế, ứng phó với những vấn đề mới phát sinh và giải quyết những vấn đề còn tồn đọng có hiệu quả cao nhất.

Theo chương trình phiên họp, Chính phủ sẽ nghe, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2022; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2021 và tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2022; báo cáo về quy định giới hạn quy mô diện tích sử dụng đất theo từng giai đoạn đối với các khu công nghiệp có quy mô diện tích trên 500 ha; đề nghị xây dựng Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi); đề nghị xây dựng dự án Luật phát triển công nghiệp; dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh, và một số vấn đề quan trọng khác.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu phân tích, đánh giá sâu sắc hơn những mặt được, chưa được, phân tích kỹ các nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, đóng góp thêm về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm thời gian tới, tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện thế nào để khắc phục được các  tồn tại, hạn chế, ứng phó linh hoạt, hiệu quả với những vấn đề mới có thể phát sinh, tiếp tục giải quyết những vấn đề tồn đọng, kéo dài…

P.V (theo ĐCSVN)
Bình luận

Tin khác

Back To Top