Sinh hoạt tư tưởng

Góp ý phê bình trên tinh thần xây dựng

08:28 - Thứ Tư, 06/04/2022 Lượt xem: 3701 In bài viết

ĐBP - Sau cuộc họp chi bộ, anh Minh về nhà trong lòng đầy ấm ức. Trằn trọc một đêm, sáng hôm sau anh đến gặp bí thư chi bộ từ sớm.

Như đoán được vấn đề, bác bí thư rót chén trà bảo:

- Uống trà đã rồi ta nói chuyện. Cháu muốn trao đổi về cuộc họp chi bộ chiều qua phải không?

- Vâng, cháu thấy chưa thỏa đáng khi bí thư nhắc nhở về cách phát biểu ý kiến. Cháu nghĩ, mình đã thực hiện đúng tinh thần đảng viên, đó là mạnh dạn, thẳng thắn trong góp ý phê bình khi thấy đồng chí mình phạm lỗi. Những vấn đề cháu đã nêu trong cuộc họp chi bộ đều là sự thật. Đáng nhẽ cháu phải được ghi nhận vì có tinh thần xây dựng chứ?...

Lắng nghe giãi bày khá lâu, thấy tâm trạng anh M. đã thoải mái hơn, lúc này bí thư chi bộ mới chậm rãi phân tích:

- Những sai sót, vi phạm của cậu X. mà cháu chỉ ra trong cuộc họp chi bộ có một số điểm đúng, cũng có những việc cần nắm thêm thông tin cụ thể, đa chiều hơn. Điều mà bác cần trao đổi, lưu ý đó là cách mà cháu nêu lên ý kiến, quan điểm, kiến nghị của mình. Bởi vì, trước khi trở thành đảng viên, chúng ta là cán bộ, viên chức và mọi thành viên đều phải thực hiện văn hóa công sở. Không thể vì thành viên khác vi phạm quy chế, ý kiến của người khác trái ý mình… mà chúng ta có quyền lớn tiếng, chỉ tay, đập bàn. Trên cương vị là đảng viên, thẳng thắn, không ngại va chạm, không nể nang né tránh, tất nhiên là rất tốt. Song tự phê bình và phê bình chỉ thực sự hiệu quả, khi được thực hiện trên tinh thần xây dựng. Phê bình thế nào để cho đồng chí mình, cho tập thể chi bộ dễ tiếp thu và có hướng khắc phục là điều bác muốn góp ý cho cháu. Có những lỗi nhỏ, có thể góp ý ngay để đồng chí mình khắc phục kịp thời mà không cần chờ đến kỳ họp. Có những lỗi, chỉ cần trao đổi, góp ý riêng; không đủ gần gũi để chia sẻ thì trao đổi qua cấp ủy (việc liên quan đến đời tư cá nhân, gia đình, người khác…). Đặc biệt, những lỗi bản thân cho rằng là nghiêm trọng, phức tạp, cần phải phát ngôn chuẩn xác, khách quan, tránh suy diễn, quy chụp, tự cho mình quyền luận tội… Ranh giới giữa góp ý xây dựng tập thể, cá nhân, đơn vị và lợi dụng phê bình để nói xấu, hạ uy tín tập thể, cá nhân; làm rối tình hình, gây mất đoàn kết… trong nhiều trường hợp nằm ở cách chúng ta phát ngôn có đúng nơi, đúng lúc, đúng nội dung hay không.

Vỗ vai đồng chí đảng viên trẻ, bí thư chi bộ bảo:

- Sự việc lần này, bác hoàn toàn tin cháu không có ý gì khác. Song trong cách góp ý phê bình, bác muốn cháu cần rút kinh nghiệm. Bởi cùng với việc gương mẫu chấp hành cương lĩnh, điều lệ, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước, mỗi đảng viên còn phải chấp hành nghiêm các quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm; trong đó có kỷ luật phát ngôn.

Thầm cảm ơn vì vừa được góp ý phê bình trong không gian chân thành, cởi mở và cũng riêng tư, chứ không phải là dưới sức “nóng” như cuộc họp chi bộ chiều qua; anh Minh ra về lòng nhẹ nhõm hơn nhiều. Anh tự dặn mình phải nghiên cứu kỹ để thực hiện đúng kỷ luật phát ngôn…

Mai Thủy
Bình luận

Tin khác

Back To Top