Phản biện xã hội dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

12:41 - Thứ Tư, 13/04/2022 Lượt xem: 3033 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (13/4), Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến phản biện xã hội đối với dự thảo dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tại điểm cầu tỉnh Điện Biên, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị xã hội tỉnh tham dự.

Các đại biểu tham gia hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Hội nghị đã phản biện, thảo luận, góp ý nhiều vấn đề xung quanh dự thảo luật, trong đó tập trung vào một số vấn đề trọng tâm như: Phạm vi, đối tượng áp dụng dự thảo Luật; nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở; thể chế quan điểm của Đảng về thực hiện dân chủ ở cơ sở thể hiện qua dự thảo Luật quy định về bảo đảm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng; nội dung quy định trách nhiệm của các chủ thể, nhất là công chức, cơ quan Nhà nước trong bảo đảm thực hiện; kế thừa những điểm hợp lý, khắc phục những bất cập, hạn chế hoạt động của thanh tra nhân dân; vai trò và trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện nội dung quy chế dân chủ cơ sở…

Hệ thống mặt trận tỉnh Điện Biên cũng đóng góp nhiều ý kiến đối với dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Một số vấn đề về bố cục, nội dung như: Đề nghị bổ sung 1 chương hoặc mục về ban giám sát đầu tư của cộng đồng; đề nghị bổ sung 1 điều tại chương IV quy định trách nhiệm của HĐND cấp tỉnh, huyện với 2 khoản, gồm quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn và giám sát việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở trên địa bàn... Về phạm vi thực hiện dân chủ ở cơ sở, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ phạm vi có bao gồm các tổ chức hay không; tại Điều 1 của Dự thảo Luật, phạm vi điều chỉnh mới chỉ liệt kê đến tổ chức chính trị - xã hội, còn các tổ chức hội có sử dụng công chức, viên chức Nhà nước và người lao động chưa thuộc điều chỉnh của Luật, đề nghị bổ sung “Tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội” để đầy đủ và bao quát hơn...

Được biết Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ được đưa ra xem xét tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội. Dự thảo gồm 7 chương, 59 điều với các nội dung cơ bản thực hiện dân chủ ở: xã, phường, thị trấn; trong cơ quan, đơn vị; doanh nghiệp; quy định trách nhiệm của thanh tra nhân dân; trách nhiệm bảo đảm và thực hiện quản lý Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở...

Đáng lưu ý, dự thảo lần này có 6 điểm mới, trong đó: Quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ công dân, cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong quy chế dân chủ cơ sở; bổ sung và đa dạng hóa hình thức công khai thông tin; quy định quyền nhân dân được đề xuất nội dung đưa ra để nhân dân bàn và quyết định; ý thức của cộng đồng dân cư, thôn, tổ dân phố; trách nhiệm giải trình của cơ quan cấp xã trong quá trình ban hành quy định hành chính bất lợi cho công dân và liên quan tới lợi ích của cộng đồng; quy định rõ trách nhiệm thực hiện dân chủ cơ sở.

Các ý kiến, đóng góp được xem xét, tổng hợp, nghiên cứu bổ sung hoàn thiện Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, trình kỳ họp của Quốc hội.

Tin, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top