Vấn đề tuần này

Tháng 7 tri ân

08:14 - Thứ Năm, 21/07/2022 Lượt xem: 4319 In bài viết

ĐBP - Cứ đến tháng 7, thân nhân các liệt sĩ, khách thập phương, kể cả du khách nước ngoài tìm đến thắp nén tâm nhang tại nhiều nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và các huyện... Hoạt động tri ân càng đông đúc, khói hương nghi ngút, phảng phất trên mỗi mộ phần, vấn vít lên nhành cây long não, cây đại cổ thụ trong khuôn viên nghĩa trang, khi Ngày Thương binh - Liệt sĩ  27/7 đến gần.

Cứ sau một hồi chuông trên đỉnh tháp Nghĩa trang Liệt sĩ A1 ngân vang, lời bài nhạc “Hồn tử sĩ” cất lên, là những giọt nước mắt lại rơi nhoè trên khuôn mặt già nua, nhăn nheo của không ít người nhà, người thân, đồng đội của các anh. Mắt mờ, chân chậm, tay cầm nén hương run run cắm lên từng ngôi mộ. Các bác, các anh cầu nguyện và cũng là lời tâm sự với đồng chí, đồng đội mình về cuộc sống hôm nay; những thay đổi trên quê hương, bản làng sau nhiều năm đất nước giành độc lập, tự do. Sự hi sinh của các anh hùng liệt sĩ đã mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân. Quê hương, đất nước đang ngày càng phát triển, đi lên, sớm sánh vai cùng 5 châu như tâm nguyện của Bác Hồ hằng mong muốn.

Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 năm nay, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch, giao cho các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện, xã tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm tri ân các anh hùng, liệt sĩ, thương bệnh binh, gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Tùy điều kiện của mỗi địa phương mà có cách làm khác nhau: tổ chức gặp mặt, tặng quà cho các thân nhân liệt sĩ; động viên thương, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng phát huy truyền thống, nuôi dạy con cháu trưởng thành,  phấn đấu cống hiến nhiều hơn nữa, xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh. Thương, bệnh binh “tàn nhưng không phế”, các bác, các anh phát huy phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”, nỗ lực vượt lên khó khăn phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình cũng là thúc đẩy xã hội phát triển. Với những gia đình, thân nhân liệt sĩ; thương, bệnh binh; gia đình có công với cách mạng, vì lý do nào đó mà kinh tế khó khăn, sẽ được Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp và nhân dân quan tâm giúp đỡ vật chất, tinh thần để làm mới, sửa sang nhà cửa, tạo việc làm… ổn định cuộc sống. Quan điểm, mục tiêu của Đảng, Nhà nước là phải quan tâm, chăm lo cho người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú.

Cũng tại các nghĩa trang liệt sĩ những ngày này, đoàn viên, thanh niên, học sinh các cấp… tập trung tu sửa, dọn dẹp vệ sinh, thay hoa, chăm sóc cây xanh, cây cảnh… tạo cảm giác ấm cúng, khang trang. Về đêm, tại các mộ phần, những ngọn nến thắp lên lung linh, huyền ảo. Kinh tế phát triển, các hoạt động tri ân Ngày Thương binh liệt sĩ càng được quan tâm, chú trọng. Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” được người thân, đồng chí, đồng đội và nhân dân quan tâm thực hiện thường xuyên, liên tục và ngày càng chu đáo hơn.

Thống kê cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 16.500 người có công với cách mạng, trong đó, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc được tặng thưởng huân, huy chương hưởng trợ cấp một lần là trên 14.300 đối tượng và gần 2.200 người có công với cách mạng được chi trả trợ cấp hàng tháng. Chiến tranh đã lùi xa nhiều năm, mặc dù Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến công tác Thương binh, liệt sĩ, đền ơn đáp nghĩa, chính sách hậu phương quân đội... nhưng đến nay vẫn có nhiều liệt sĩ chưa tìm được mộ phần, chưa xác định rõ danh tính, quê quán...

Việc xác định đúng thông tin, vị trí các anh hy sinh để quy tập vào các nghĩa trang liệt sĩ. Báo cho gia đình, người thân, đồng đội, đơn vị... biết chỗ các anh yên nghỉ trong lòng đất mẹ là trách nhiệm của mỗi chúng ta, đúng với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Thời gian cứ lặng lẽ trôi, trong khi việc xác minh thông tin liệt sĩ, nơi các anh hi sinh ngày càng gặp khó khăn. Do kinh tế - văn hóa ngày càng phát triển; hạ tầng cơ sở được xây dựng; dự án kinh tế mọc lên... làm mất dần dấu tích sau chiến tranh. Hồ sơ, danh sách liệt sĩ không còn đầy đủ; nhân chứng đã già yếu hoặc không còn minh mẫn; nhiều thân nhân liệt sĩ đã chết... là những trở ngại rất lớn cho quá trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Do vậy, bằng mọi cách, mỗi người dân, nhất là những cán bộ được giao nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ cần có những cách làm bàn bản, khoa học, sáng tạo để xác minh một cách nhanh nhất, chính xác và kịp thời nhất nơi các anh hi sinh để quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ. Đấy là trách nhiệm của mỗi chúng ta - những  người đang sống, đang được hưởng những thành quả mà các anh hùng liệt sĩ, thương, bệnh binh phải đánh đổi cả mạng sống, máu và xương mới có được.

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top