Cải cách hành chính để hút nhà đầu tư

07:16 - Thứ Hai, 15/08/2022 Lượt xem: 3788 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, tỉnh ta tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, nhằm thu hút các doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Điện Biên, đang được các sở, ban, ngành, địa phương quan tâm, thực hiện.

Người dân giao dịch tại bộ phận tiếp nhận và trả hồ sơ TP. Điện Biên Phủ.

Tạo môi trường thông thoáng, minh bạch

Là DN được thành lập, hoạt động đã 19 năm. Từ đầu năm đến nay có nhiều dự án được tỉnh chấp thuận đầu tư, ông Nguyễn Đỗ Nghị, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Duy Hồng (thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa) cho biết: Vừa qua, DN đã được tỉnh chấp thuận 3 dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn gồm: Cửa hàng xăng dầu xã Chiềng Sinh và cửa hàng xăng dầu số 1 xã Rạng Đông (huyện Tuần Giáo), cửa hàng xăng dầu Duy Hồng (huyện Tủa Chùa). So với các dự án trước đó đã triển khai, dù là mặt hàng kinh doanh có điều kiện song việc thực hiện các thủ tục từ khâu thẩm định, đến phê duyệt và các thủ tục thuê đất… đều được các cấp, ngành liên quan triển khai nhanh gọn hơn. Hiện nay, Công ty đang hoàn thiện việc đăng ký sử dụng đất và dự kiến sẽ triển khai 3 dự án trên trong quý IV/2022. Nhìn chung, những năm gần đây, tỉnh và các sở, ngành rất nỗ lực, quan tâm, tạo điều kiện và sát cánh cùng DN; hướng dẫn các thủ tục pháp lý, các cơ chế ưu đãi, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch.

Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt, toàn diện các cấp, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến trình CCHC, đặc biệt trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) để cải thiện môi trường đầu tư, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN. Kết quả xác định chỉ số CCHC năm 2021 của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh được công bố vào tháng 7/2022 cho thấy, tỷ lệ điểm trung bình của các đơn vị, địa phương ở mức khá với 82% tổng điểm. Trong đó, 2 lĩnh vực có tỷ lệ điểm cao nhất là xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật (94%), cải cách tổ chức bộ máy hành chính (87%); 2 lĩnh vực có tỷ lệ điểm thấp nhất là cải cách tài chính công 69% và hiện đại hóa hành chính 71%. Tỷ lệ điểm công tác chỉ đạo điều hành CCHC đạt tỷ lệ khá (84%), cho thấy mức độ quan tâm chỉ đạo sát sao của đa số lãnh đạo các cấp, các ngành với công tác CCHC ở đơn vị, địa phương. Nổi bật là nhiều đơn vị đạt tỷ lệ điểm CCHC cao như: Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Giao thông vận tải, huyện Điện Biên... Kết quả trên đã phản ánh sát tình hình triển khai CCHC tại các cơ quan, đơn vị; việc triển khai và kết quả đạt được trên những nội dung trọng tâm và 6 nhiệm vụ CCHC theo yêu cầu của Chính phủ. Ngoài ra, hiện nay Dịch vụ công có đầu mối tập trung ở cấp tỉnh đã kết nối liên thông tới 100% sở, ngành cấp tỉnh; 100% UBND cấp huyện và 100% UBND cấp xã đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân và DN.

Hút Doanh nghiệp, nhà đầu tư

Môi trường đầu tư kinh doanh được quan tâm, cải thiện theo hướng công khai, minh bạch, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sức hút đối với các DN, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Với việc phát huy mạnh mẽ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm của người đứng đầu đã tạo sự tín nhiệm đối với các nhà đầu tư. Nhờ đó, tỉnh đã phối hợp với chủ đầu tư tổ chức khởi công công trình mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên, Trung tâm Thương mại và Nhà ở thương mại TP. Điện Biên Phủ. Đồng thời, đón nhận các nhà đầu tư, tập đoàn lớn hàng đầu trong nước như: Sun Group, Vin group, Hải Phát… tập trung chỉ đạo các cấp, ngành khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án đã đăng ký; phối hợp, hỗ trợ cộng đồng DN khảo sát và lập đề xuất quy hoạch đầu tư một số dự án phát triển đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thủy điện, trồng rừng. Nhờ đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 10 dự án về lĩnh vực thủy điện, thương mại, dịch vụ, nông - lâm nghiệp, khu dân cư với tổng số vốn đăng ký đầu tư 4.119,7 tỷ đồng, tăng 191% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế có 189 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 38.675 tỷ đồng. Trong đó, 118 dự án hoàn thành đi vào hoạt động với tổng vốn đăng ký 10.559 tỷ đồng; 71 dự án đang thực hiện đầu tư với tổng số vốn giải ngân 5.788 tỷ đồng/28.116 tỷ đồng (bằng 20,5% số vốn đăng ký).

Mặc dù vậy, hiện nay các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành được xây dựng chưa cung cấp được dữ liệu mở cho người dân và DN để phục vụ phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Các cơ sở dữ liệu lớn chưa xây dựng, hoàn thiện; quy trình giải quyết thủ tục hành chính, nhất là TTHC về đất đai vẫn còn phức tạp, do địa bàn rộng, các khu dân cư của người dân nằm thưa thớt nên việc quản lý còn gặp khó khăn. Nhiều DN cũng chưa tích cực, chủ động, thiếu phương tiện, thiết bị trong việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4… Do vậy, đẩy mạnh CCHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch không chỉ cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của các sở, ngành, địa phương mà cả sự chung tay từ phía DN, nhà đầu tư.

Mai Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top