Chính trịKỷ niệm 70 năm Chiến thắng ĐBP

Mường Phăng ngày ấy, bây giờ (bài 2)

14:07 - Chủ Nhật, 17/03/2024 Lượt xem: 3804 In bài viết

Bài 2: Góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ

ĐBP - Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ có sự đóng góp không nhỏ của nhân dân Mường Phăng. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” người dân Mường Phăng đã vượt mọi khó khăn, gian khổ, quyên góp, vận chuyển lương thực thực phẩm phục vụ chiến dịch nói chung và Bộ Chỉ huy chiến dịch tại xã Mường Phăng nói riêng, góp phần quan trọng vào chiến công vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Bài 1: Mường Phăng - Trái tim chiến dịch Điện Biên Phủ

Hết lòng vì chiến dịch

Trong chiến dịch, quân Pháp bố trí lực lượng, lập đồn bốt ở khắp mọi ngả đường vào trận địa; máy bay chiến đấu quần thảo khắp lòng chảo Mường Thanh và khu vực lân cận để ngăn chặn mọi hoạt động tiếp viện từ hậu phương của quân ta.

Thời điểm đó, đời sống người dân Mường Phăng rất khó khăn, thiếu thốn, song với tinh thần “Tất cả cho Điện Biên Phủ”, toàn dân Mường Phăng đã ra sức tăng gia sản xuất, tiết kiệm ăn độn nhiều ngô khoai dành phần lúa gạo tốt để chi viện cho tiền tuyến. Như trường hợp cụ Lò Thị Đôi, nữ dân quân tham gia đội tự vệ xã Mường Phăng, mặc dù đã “mãi mãi đi xa” nhưng những đóng góp của cụ trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch luôn được khắc ghi.

Bức ảnh cụ Lò Thị Đôi và nhân dân Mường Phăng chụp chung với Đại tướng trong lần Đại tướng lên thăm lại Điện Biên năm 2004 được anh Lò Văn Ánh treo ở vị trí trang trọng trong nhà.

Ngày đó, cụ Đôi đã vận động chị em phụ nữ và bà con dân bản ủng hộ, tiếp tế gạo, rau, thịt cho Bộ Chỉ huy chiến dịch. Để có lương thực, thực phẩm, cụ Đôi đã lặn lội vào từng nhà vận động đồng bào ủng hộ cho bộ đội. Lúc đầu gặp nhiều khó khăn, bởi người dân Mường Phăng và một số xã lân cận đều nghèo, thế nhưng sau khi nghe giải thích, họ đều ủng hộ. Người có gạo ủng hộ gạo, hộ có trâu, bò ủng hộ trâu bò... Không những thế, có nhiều người còn tình nguyện xin đi vận chuyển quân lương.

Nhờ đó phong trào “dốc bồ, đổ thúng” lan tỏa tới từng nhà dân, để “tất cả cho chiến dịch Điện Biên Phủ đại thắng”. Sau thời gian ngắn (khoảng 5 tháng) vận động, nhân dân Mường Phăng đã ủng hộ Bộ Chỉ huy chiến dịch được 9 tấn lúa và 5 con trâu, trong đó gia đình cụ Đôi còn ủng hộ thêm nhiều trâu, bò, rau xanh.

Không chỉ đóng góp lương thực, thực phẩm, người dân Mường Phăng còn một lòng thủy chung với cách mạng. Để đảm bảo bí mật, an toàn cho Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng nghìn người đã tình nguyện tham gia thiết lập các hành lang bảo vệ nhiều vòng, nhiều lớp liên hoàn vừa chủ động ngăn chặn sự xâm nhập của địch, vừa thuận tiện trong tiếp tế cho lực lượng đóng quân. Khu Sở chỉ huy cách trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hơn chục cây số đường chim bay, quân Pháp thường xuyên cho máy bay tìm kiếm và xua quân càn quét, tìm diệt cơ quan đầu não và bộ đội chủ lực của ta. Nhưng suốt từ khi di chuyển và tập kết tại đây cho đến ngày quân ta giải phóng Điện Biên Phủ, nơi này đã được đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Ông Lò Văn Biên kể về cụ Lò Văn Bóng tham gia bảo vệ vòng ngoài Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm trước.

Chúng tôi đến thăm ông Lò Văn Biên, con trai cụ Lò Văn Bóng - nguyên liên lạc và là cán bộ bảo vệ vòng ngoài Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm trước. Năm nay đã gần 70 tuổi, ông Biên lần giở cho chúng tôi xem tập ảnh tư liệu mà nhiều năm qua gia đình đã gìn giữ như báu vật. Đó là những bức ảnh của cụ Lò Văn Bóng được gặp “ải pú tạp xấc” (ông nội đánh giặc - cách gọi trìu mến của người dân Mường Phăng dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Ông Biên dẫn lời các cụ kể lại, năm 1954, cụ Bóng khi ấy mới là chàng trai 24 tuổi, được lựa chọn tham gia lực lượng bảo vệ vòng ngoài Sở Chỉ huy. Được phát một khẩu súng trường, ngày đêm lăn lộn dưới địa bàn vận động dân bản phòng gian bảo mật, tham gia bảo vệ Sở Chỉ huy chiến dịch. Cụ Bóng đã huy động được đông đảo người dân tham gia bảo đảm an toàn tuyệt đối Sở Chỉ huy.

Nghĩa tình Mường Phăng

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” gắn liền với tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngày chiến thắng đã trôi qua 70 năm nhưng tình cảm, tấm lòng người dân Điện Biên nói chung và Mường Phăng nói riêng hướng về Đại tướng vẫn luôn vẹn nguyên, sâu đậm. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, căn cứ Sở Chỉ huy chiến dịch đã được người dân Mường Phăng gìn giữ vẹn nguyên. Hình ảnh về Đại tướng vẫn luôn khắc sâu trong tâm thức người dân nơi đây. Tình cảm mà Đại tướng dành cho người dân Mường Phăng đã trở thành động lực để bà con đoàn kết, chung tay xây dựng bản làng phát triển, ấm no.

Chiếc đài là món quà Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng cho ông Lò Văn Bóng. Ảnh tư liệu

Bên hiên nhà sàn ở cuối bản Bua, xã Mường Phăng, mỗi ngày ông Lò Văn Biên đều dành thời gian lau chiếc đài mà Đại tướng đã tặng cho bố ông là cụ Lò Văn Bóng trong chuyến thăm của Đại tướng lên Điện Biên vào năm 2004. Có chiếc đài, cụ Bóng rất vui sướng, tự hào. Năm 2013, cụ Bóng mất. Lúc lâm chung, tâm nguyện của cụ là được ngắm, sờ chiếc đài lần cuối và căn dặn con cháu phải gìn giữ kỷ vật này thật cẩn thận. Sau 20 năm, chiếc đài ấy đã trở thành kỷ vật vô giá của gia đình ông Biên. Với gia đình ông Biên, nếu một ngày không được lau chùi, ngắm kỷ vật này, ngày đó như thiếu vắng một điều gì đó gần gũi, thân thuộc.

Ông Lò Văn Biên luôn trân quý những kỷ vật liên quan đến Đại tướng.

Ông Lò Văn Biên vẫn nhớ như in chuyến thăm Mường Phăng của Đại tướng: Năm 2004, nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, bác Giáp lên thăm Mường Phăng. Ngay từ sáng sớm, đông đảo người dân đã có mặt, chờ để được gặp Đại tướng. Sau khi vào thăm hầm hào, công sự, lán trại trong Sở Chỉ huy, khi trở ra, bác Giáp dành nhiều thời gian gặp gỡ, thăm hỏi, nói chuyện với đồng bào. Bác căn dặn người dân phải đoàn kết, cố gắng làm ăn, phát triển kinh tế, xây dựng bản làng ấm no, khang trang hơn nữa.

Ông Lò Văn Biên thường xuyên lau chùi đài của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng cụ Lò Văn Bóng.

Rời bản Bua, chúng tôi đến bản Phăng 2 (xã Mường Phăng) tìm gặp anh Lò Văn Ánh - người còn lưu giữ được bức ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp chung với bà con Mường Phăng. Anh Lò Văn Ánh chia sẻ, bức ảnh là khoảnh khắc cụ Lò Thị Đôi (bà nội anh) và nhiều người dân tộc Thái trong xã được chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần Đại tướng lên thăm lại Điện Biên năm 2004. Lúc còn sống, cụ Đôi quý bức ảnh này lắm. Cụ hay mang ra xem rồi kể cho con cháu nghe về Đại tướng, về chiến dịch. Cụ dặn dò con cháu trong gia đình, dòng họ phải nỗ lực xây dựng quê hương Mường Phăng và gìn giữ Khu di tích Sở Chỉ huy. Ngày biết tin Đại tướng mất, cụ Đôi buồn lắm. Cả ngày hôm đó cụ ngồi tựa cửa, ôm bức ảnh bà con Mường Phăng chụp chung với Đại tướng, mắt hướng về phía Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ mà khóc.

70 năm đã đi qua, với người dân Mường Phăng, Đại tướng như người cha, người ông. Với tình cảm dành cho Mường Phăng, Đại tướng đã viết thư gửi Bộ Chính trị, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đề nghị cho xây dựng hồ thủy lợi Loọng Luông để lấy nước cho người dân sản xuất. Tên công trình là Loọng Luông nhưng từ khi khánh thành đến nay người dân Mường Phăng vẫn thân thương gọi là hồ Đại tướng! Người dân nơi đây luôn khắc ghi lời Đại tướng căn dặn khi về thăm Mường Phăng lần cuối, đó là phải giữ rừng khu vực hầm Đại tướng thật tốt, phải tập trung xóa đói giảm nghèo, phải cho con em mình học hành đến nơi đến chốn và giữ gìn đoàn kết các dân tộc!

Nhớ lời dặn của Đại tướng, những năm qua cộng đồng các dân tộc Mường Phăng luôn luôn đoàn kết.

Thấm thoát đã 70 năm, địa danh Mường Phăng đã đi vào thơ ca, nhạc họa, trở thành niềm tự hào không chỉ của người Việt Nam mà với cả nhân loại tiến bộ yêu chuộng hòa bình, độc lập. Dẫu phải đối mặt với không ít thách thức, song tiếp nối tinh thần Điện Biên Phủ năm xưa, khắc ghi lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Mường Phăng đã không ngừng nỗ lực trong phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo. Năm 2018, xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Mường Phăng hôm nay không chỉ có “Rừng Đại tướng” mà còn có “hồ Đại tướng”, có “Trường học Đại tướng”.

Bài 3: Vùng đất lịch sử vượt khó vươn lên

Bài, ảnh: Văn Tâm - Phạm Trung
Bình luận
Back To Top