Kinh tếĐầu tư

Vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông

Cần thu hút nhiều nguồn lực

07:58 - Thứ Sáu, 10/06/2016 Lượt xem: 3253 In bài viết
ĐBP - Hệ thống hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh trong 5 năm qua đã được tập trung đầu tư xây dựng từ nhiều nguồn với tổng vốn trên 3.600 tỷ đồng. Nhờ đó, hơn 8.200km đường các loại đã được đầu tư xây dựng, cải tạo, góp phần hình thành mạng lưới giao thông liên kết các vùng miền, khu vực kinh tế trong tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao thương ngoại tỉnh và quốc tế.
Tuy nhiên, hiện nay với yêu cầu phát triển, nhu cầu nâng cấp hệ thống tỉnh lộ, đường liên xã, bản còn rất lớn, trong khi Điện Biên chưa có khả năng tự đảm bảo nguồn lực để thực hiện nên cần những chính sách thu hút từ nhiều phương án đầu tư.
 
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Trương Quang Nghĩa cùng đoàn công tác đầu tháng 5 vừa qua, tỉnh Điện Biên đã có một số kiến nghị, đề xuất liên quan đến lĩnh vực GTVT đường bộ, đường thủy và hàng không. Trong đó đề nghị tạm ứng 100 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2017 để thi công Dự án Cải tạo, Nâng cấp các điểm sụt trượt đoạn từ km102 – km139+650 (quốc lộ 12 Mường Chà – Mường Lay); triển khai Dự án Kết nối các tỉnh miền núi phía Bắc (trong đó có Điện Biên) với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai; hỗ trợ, triển khai Dự án Đầu tư xây dựng 2 cây cầu qua sông Nậm Rốm (cầu Nậm Thanh và cầu C4); Dự án Cải tạo, Nâng cấp quốc lộ 279 đoạn TP. Điện Biên Phủ - Cửa khẩu quốc tế Tây Trang; Dự án Nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên Phủ; nâng cấp hệ thống đường thủy nội địa; Đề án Bê tông hóa giao thông nông thôn…

Đoạn quốc lộ 279, thuộc địa phận xã Thanh Xương, huyện Điện Biên là một trong những dự án giao thông đang rất cần được bố trí vốn đầu tư.

Về tình hình thu hút vốn trong năm 2016, ông Đỗ Văn Chung, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: Từ đầu năm đến nay, tỉnh chưa thu hút được dự án (thuộc Sở GTVT quản lý) nào đầu tư cho phát triển hạ tầng GTVT. Mới đây, Sở đã lên kế hoạch, tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư 6 công trình để kêu gọi vốn thu hút theo các hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) và BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh) với tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng. Đó là: 3 trạm dừng nghỉ trên các tuyến quốc lộ 6, quốc lộ 12 và quốc lộ 4H, được kêu gọi bằng hình thức BOT với mức đầu tư 30 tỷ đồng; 3 công trình bến xe khách tại các huyện: Mường Ảng, Điện Biên Đông, Nậm Pồ bằng hình thức đầu tư BOO, mức đầu tư 30 tỷ đồng và đã được UBND tỉnh đưa vào danh mục cần thu hút đầu tư. Cùng với đó, Sở GTVT tích cực tham mưu cho tỉnh trong việc kêu gọi các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ, đầu tư giao thông nông thôn trên địa bàn; đề xuất cơ chế, chính sách để mở rộng thu hút vốn trong lĩnh vực GTVT. Đây là việc làm rất cần thiết khi nguồn vốn đầu tư cho xây dựng hạ tầng giao thông của tỉnh phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách Trung ương; nguồn kinh phí bảo dưỡng hệ thống giao thông đường bộ rất hạn chế; hạ tầng đường hàng không chưa được đầu tư đồng bộ (Cảng hàng không Điện Biên Phủ chỉ đáp ứng việc tiếp nhận máy bay từ loại ATR72 trở xuống), hiện không đủ đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, khai thác thế mạnh của tỉnh theo quy hoạch.

Mặc dù tăng cường kiến nghị, đề xuất với các bộ, ngành Trung ương trong đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nhưng trong giai đoạn cắt giảm, siết chặt đầu tư công, những khó khăn về ngân sách như hiện nay, không phải đề nghị nào của tỉnh cũng được Trung ương tiếp nhận, giải quyết sớm. Theo Thông báo số 242/TB-BGTVT ngày 13/5/2016 về kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT tại buổi làm việc với tỉnh Điện Biên, trong số 13 kiến nghị, đề xuất chính thì có nhiều đề nghị của tỉnh chưa thể đáp ứng trong thời gian trước mắt. Điển hình như: Đề nghị tạm ứng 100 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2017 để thi công Dự án Cải tạo, Nâng cấp các điểm sụt trượt đoạn từ km102 – km139+650 (quốc lộ 12 Mường Chà – Mường Lay) cần chờ kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội thông qua, Bộ GTVT sẽ xem xét bố trí; Dự án Kết nối các tỉnh miền núi phía Bắc với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai không nằm trong phạm vi nghiên cứu; một số dự án do điều kiện kinh phí đầu tư rất khó khăn, chưa thể bố trí theo tổng mức đầu tư được duyệt, Bộ GTVT đề nghị chủ đầu tư xem xét trước mắt tập trung chỉnh trang, cải thiện điều kiện đi lại (Dự án Cải tạo, Nâng cấp quốc lộ 279 đoạn TP. Điện Biên Phủ - Cửa khẩu quốc tế Tây Trang); phương án nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên Phủ mặc dù Bộ GTVT thống nhất đây là nhu cầu cần thiết nhưng hiện Bộ vẫn đang nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ...

Để xây dựng hệ thống giao thông theo đúng quy hoạch, đồng bộ, hướng tới hiện đại về cả kết cấu hạ tầng, vận tải và công nghiệp giao thông, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đảm bảo quốc phòng - an ninh, Điện Biên cần tiếp tục cải tạo môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI), thu hút những nguồn đầu tư ngoài ngân sách, từng bước xã hội hóa nguồn lực đồng thời thực hiện hiệu quả công tác quản lý, khai thác những công trình được kêu gọi đầu tư...

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top